Ngăn chặn điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích nhóm

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng luật ra đời phải xóa được khoảng trống pháp lý trong thực hiện các quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh).
Phải xóa được xung đột
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Theo dự kiến, đây là dự án luật duy nhất được thông qua tại kỳ họp này theo quy trình tại một kỳ họp.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật trên (có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ 1/1/2019) là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.

Đa số các ĐB cho rằng, việc ban hành luật này phải xóa được khoảng trống pháp lý, xung đột pháp luật gây khó khăn vướng mắc trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mấy chục năm qua thành công của một số lĩnh vực là nhờ quy hoạch đúng như: Hàng không, công nghệ thông tin, điện lực đi đúng hướng, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy hoạch cũng là nguồn cơn của nhiều tiêu cực, gây những thiệt hại, nhiều khi quy hoạch đúng nhưng sau đó phá hỏng, làm cho méo mó đi, điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích tức thời.

Cho rằng quy hoạch cần phải có tầm nhìn, xét theo cả quá trình chứ không phải chỉ áp dụng theo giải pháp tình thế, ĐB cho rằng: “Quy hoạch đúng, quy hoạch hợp lý và có từng bước điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa lợi ích, chứ không phải điều chỉnh theo giải pháp tình thế, do đó, khi sửa luật phải quán triệt yêu cầu này”.

ĐB Đặng Thế Vinh (đoàn Hậu Giang) cho rằng, nguyên tắc việc rà soát các quy hoạch để sửa đổi, bổ sung luật phải lấy Luật Quy hoạch làm chuẩn. Mỗi loại quy hoạch có nhiệm vụ riêng, ở cấp độ khác nhau, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thì không nên có sự chồng lấn. Do đó, cần xác định nhiệm vụ, nội dung của quy hoạch xây dựng để không chồng chéo, trùng lắp với các quy hoạch khác.

Theo ĐB, cần làm rõ phạm vi, đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng, xác định lại khái niệm quy hoạch xây dựng tại khoản 30 điều 3 của Luật Xây dựng để thu hẹp nội dung của quy hoạch xây dựng với tính chất là quy hoạch chuyên ngành. Quy hoạch đô thị thì đề nghị thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị. Phải làm rõ phạm vi đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng thì mới xác định mối quan hệ của quy hoạch xây dựng với các quy hoạch ngành, quốc gia, vùng và quy hoạch tỉnh. Để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, các quy định về giấy phép quy hoạch tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị cần thống nhất với Luật Quy hoạch.
ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị).
Tránh quy hoạch tùy tiện

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị, bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để tránh trùng lặp, quy hoạch chồng lấn quy hoạch gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ĐB đề nghị cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.

Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), có đến 16/32 điều trong luật này liên quan đến xây dựng, trong đó nội dung quan trọng nhất là xác định các loại quy hoạch xây dựng. Về điều chỉnh quy hoạch, theo ĐB, Dự Luật đã có sự điều chỉnh theo hướng dễ dàng, linh hoạt hơn, nhưng lại chưa nêu rõ trường hợp áp dụng, phạm vi một cách cụ thể, nên có thể dẫn đến khả năng áp dụng tuỳ tiện, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, phá vỡ hệ thống thiết kế hạ tầng kỹ thuật, xã hội đang có. Vì vậy, nếu chưa rà soát đồng bộ để đảm bảo sự thống nhất của Luật này với hệ thống pháp luật nói chung và Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị nói riêng, thì chưa nên thông qua ngay tại kỳ họp này mà tiếp tục hoàn thiện để thông qua tại kỳ họp sau.

ĐB Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, nội hàm các quy định vùng tỉnh, quy hoạch liên huyện trong dự thảo luật này là chưa thuyết phục và thiếu nhất quán với các luật hiện hành.

Các ĐB cũng đề xuất, việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển hành nghề công chứng là phù hợp, phù hợp với chủ trương của Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Bởi công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư. Ngoài ra, Luật Công chứng cũng quy định chặt chẽ các điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh thì xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.