Ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử: Không mạnh tay sẽ “nhờn” luật

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang phát triển thương mại điện tử (TMĐT) với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, song cùng với sự phát triển này cũng xuất hiện rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng gây nhức nhối.

Hàng giả, hàng nhái bán tràn lan
Hiện, tại Việt Nam đang có khoảng hơn 20.000 website TMĐT bán hàng và gần 900 website cung cấp dịch vụ TMĐT với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25 - 30%. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự phát triển của TMĐT để buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Phú Thái đã gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ánh một số website TMĐT rao bán sản phẩm đồ gia dụng nhái nhãn hiệu Cuckoo do Phú Thái phân phối độc quyền tại Việt Nam. Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục QLTT Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh đồng loạt tiến hành kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…
 Hoạt động thương mại điện tử ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn TMĐT đều “hoa mắt” khi thấy hàng giả được rao bán công khai. Điển hình như trên trang Vatgia online, đồng hồ Rolex E10 có giá 599.000 đồng; đồng hồ Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm... Trong khi những sản phẩm chính hãng lên tới cả nghìn, vài chục nghìn USD.
Tại Hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT" do Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa tổ chức, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Đàm Thanh Thế cho biết, TMĐT đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả của các loại hàng giả, hàng lậu... khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào TMĐT. Các vi phạm trên môi trường TMĐT chủ yếu là không đăng ký kinh doanh; nhiều cá nhân bán hàng giả, hàng nhái nhưng lại đăng hình ảnh hàng hóa thật trên website đánh lừa người tiêu dùng.

"Cần đề ra giải pháp về thể chế, chế tài, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người tiêu dùng, nói không với hàng giả, hàng nhái mới có thể ngăn chặn được tình trạng lợi dụng TMĐT để buôn bán, vận chuyển hàng giả." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng Anh

Đáng nói là, có hiện tượng một số công ty chuyển phát nhanh “vô tình” trở thành công cụ vận chuyển hàng lậu, điều này đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc chống hàng giả. Ngoài ra, với hình thức thanh toán Internet banking nên việc truy tìm dấu vết người bán hàng giả tại các sàn TMĐT hết sức khó khăn, do các quy định bảo mật thông tin cá nhân.
Tăng nặng mức phạt mới đủ sức răn đe
Nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý TMĐT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu về quản lý TMĐT tại thời điểm ban hành, nhưng TMĐT thay đổi liên tục đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp thực tế.
Từ sự thay đổi nhanh chóng của TMĐT, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đề xuất, phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên internet, nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế trong việc xử lý.
Trong đó, chú trọng tăng nặng việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp như: Dừng cấp tên miền; ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán. “Nếu không tăng nặng hình thức xử phạt sẽ xảy ra hiện tượng “nhờn” luật, vì mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận đạt được dù sai phạm” - ông Linh nói.
Để có thể bảo vệ người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kinh tế, luật cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng lậu kinh doanh trên môi trường internet.
Hiện Cục Cạnh tranh & Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới chỉ dừng lại ở hành động cảnh báo người tiêu dùng thận trọng khi mua hàng trên các sàn TMĐT chứ không cảnh báo DN bán hàng giả sẽ bị xử lý như thế nào. Đặc biệt, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) với chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng chưa làm tròn trách nhiệm của Hội, chưa quyết liệt yêu cầu lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra các sàn TMĐT.
Kiến nghị của cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế cho thấy, cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả lợi dụng TMĐT để tiêu thụ, vận chuyển. Tuy nhiên, trước khi các cơ quan quản lý xây dựng được các chế tài đủ sức răn đe, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước nạn hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.