Ngăn chặn hung thần mang tên xe bồn: Khó trăm bề

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe bồn, đặc biệt là xe chuyển chở xăng, dầu đã được liệt kê vào danh sách những phương tiện tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT bậc nhất.

Nguy hiểm là vậy, tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác quản lý từ phương tiện, tổ chức giao thông đến lái xe… vẫn còn một khoảng trống rất lớn.
Những “quả bom” trên đường phố

Theo các chuyên gia giao thông, hiện nay, trên thị trường, xe bồn dùng để chuyển chở xăng, dầu có rất nhiều hãng với các kích thước bồn (xitec) khác nhau, trong đó, loại nhẹ nhất là 5m3 và loại lớn nhất lên đến hàng chục mét khối. Do đó, trong quá trình tham gia giao thông, ngoài tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, với khối lượng lớn, kèm theo quán tính lớn nên chỉ cần sơ sẩy một chút, những sự cố để lại hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
 Hiện trường vụ tai nạn do xe bồn chở xăng gây ra tại Bình Phước.
Vụ tai nạn diễn ra sáng ngày 22/11 trên QL13 thuộc địa bàn xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, khiến 6 người tử vong là một ví dụ điển hình. Tài xế xe bồn đã tông vào xe ba bánh chạy phía trước, lao qua dải phân cách, rồi phóng lên vỉa hè đâm sập trụ điện trung thế, lật nhào khiến 14 khối xăng, dầu trên xe chảy tràn ra mặt đường. Sự cố trên đã khiến xăng, dầu tràn vào nhà dân, tạo ra một vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, thiêu rụi nhiều căn nhà, khiến 6 người tử vong và nhiều người khác bị thương.

 Theo Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn chi tiết một số quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP và Luật Phòng cháy và Chữa cháy, động cơ của các phương tiện vận chuyển hàng dễ cháy phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc khoang đệm theo quy định; Hệ thống điện bao gồm cả bình ắc quy phải bảo đảm an toàn về yếu tố kỹ thuật, không xảy ra rủi ro phát sinh tia lửa; Sàn, kết cấu khoang chứa hàng làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy và không phát sinh tia lửa do ma sát; Có mái che chống mưa, nắng; trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy...
Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 5/9 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) đã xảy một vụ va chạm giữa một xe bồn chở xăng với một xe ô tô 4 chỗ đi cùng chiều. Vụ va chạm đã khiến chiếc xe bồn lật ngửa và cháy dữ dội. Rất may, trong vụ tai nạn này, tài xế xe bồn kịp thoát ra ngoài nên không có thiệt hại về người, tuy nhiên, sự cố đã khiến tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị hư hỏng nặng. Tiếp đó, khoảng 10 giờ ngày 15/9, trên QL 4D, đoạn qua huyện Tam Đường (Lai Châu) cũng đã xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng giữa một xe bồn và xe khách 16 chỗ khiến 13 người tử vong, 3 người bị thương…

Chấp hành kiểu đối phó

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia giao thông cho biết, so với các loại phương tiện khác, xe bồn, đặc biệt là xe chở xăng, dầu tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Mặc dù nguy hiểm là vậy nhưng công tác quản lý các loại phương tiện này hiện đang bộc lộ nhiều bất cập.

Lãnh đạo một Đội CSGT Đường bộ - Đường thủy, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô chuyên dùng chở hàng nguy hiểm (xăng dầu, ga, các loại hóa chất khác…) gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, hầu hết các phương tiện trên hoạt động vào thời gian sau 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Bên cạnh đó, theo quy định khi kiểm tra, xử lý phải đưa phương tiện ra khỏi khu vực đông dân cư để phòng tránh nguy hiểm. Trong khi đó, bãi tập kết chờ xử lý, tạm giữ chưa quy định rõ ràng dẫn đến việc một số cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện né tránh, bỏ qua vi phạm.

Đại diện một số đội CSGT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết thêm, mặc dù pháp luật đã quy định người điều khiển phương tiện ô tô chở hàng nguy hiểm nêu trên phải tham gia các lớp tập huấn về an toàn cháy nổ và được cấp giấy chứng nhận mới được điều khiển xe, nhưng hầu hết dường như chỉ mang tính chất hình thức, chống đối. Ngoài ra, trên một số phương tiện, thiết bị phòng chống cháy nổ của xe còn mang tính chất đối phó, không có tác dụng, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý thì các chủ phương tiện mới trang bị đầy đủ, hết cao điểm lại bỏ qua…

Quy hoạch lại điểm kinh doanh xăng dầu

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, để ngăn chặn những vụ tai nạn liên quan đến xe bồn, đặc biệt là xe chuyên chở xăng, dầu, các đơn vị chức năng cần xem xét hạn chế tốc độ đối với các loại phương tiện này. TS Nguyễn Xuân Thủy lý giải, khi có hàng, những chiếc xe chở xăng, dầu sẽ có trọng tải rất lớn. Khi trọng tải lớn kéo quán tính lớn theo, do đó, chỉ cần gặp một chướng ngại vật, việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn, đó là chưa kể đến tình huống lái xe phóng nhanh vượt ẩu như trường hợp của vụ tai nạn ở Bình Phước vừa qua. “Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh lại tốc độ đối với các loại xe bồn, không thể cho phép xe chở hàng nguy hiểm chạy với tốc độ như xe ô tô 4, 5 chỗ” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia giao thông khi được hỏi đều cho rằng, bên cạnh việc xem xét giới hạn tốc độ của các loại xe bồn, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với phương tiện và người lái. Trong đó, cần tập trung xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia, các chất kích thích bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông. Ngoài ra, chính quyền các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, xem xét lại mạng lưới quy hoạch các điểm kinh doanh xăng dầu, hạn chế các điểm nằm giữa khu dân cư.

Xung quanh công tác đảm bảo ATGT đối với các loại xe bồn, xe chở xăng, dầu, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ báo cáo với Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành việc kiểm tra các quy định pháp luật đối với đơn vị kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ. Đồng thời xem lại các điều kiện kinh doanh vận tải các mặt hàng dễ cháy nổ, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước và ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra.