Ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt: Đề cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt được đánh giá sẽ là liều thuốc “nặng đô” để chữa trị triệt để “căn bệnh” tai nạn giao thông (TNGT) của ngành đường sắt.

 Hàng nghìn lối đi tự mở cắt ngang đường sắt đang tồn tại. Ảnh: Nguyễn Quý

Lối đi tự mở là “sát thủ vô hình”
Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, hiện trên mạng lưới đường sắt có gần 4.300 lối đi tự mở (đường ngang dân sinh), chiếm 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, còn có 14.171 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt thật sự trở thành một “sát thủ vô hình” và là “thủ phạm” gây ra phần lớn các vụ TNGT đường sắt khi có tới hơn 70% số vụ xảy ra tại những “điểm đen” này.
Theo Đề án, UBND các địa phương có đường sắt đi qua cần nêu cao vai trò và gắn chặt trách nhiệm của mình trong công tác xóa bỏ lối đi tự mở, kéo giảm TNGT đường sắt. Đồng thời các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường sắt.
Trên thực tế, từ rất lâu ngành đường sắt đã tiến hành rà soát, thống kê, phân loại để rào kín hay xóa bỏ lối đi dân sinh, cắm biển cảnh báo, cảnh giới tại các đường ngang. Thế nhưng, phần lớn các giải pháp đưa ra đều chưa thể mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Một phần vì vấn đề kinh phí song phần khác quan trọng nhất vẫn là câu chuyện ý thức và thói quen tùy tiện của người dân khi tham gia giao thông tại các lối đi tự mở cắt với đường sắt. Chính vì thế, việc đưa ra giải pháp tổ chức quản lý lối đi tự mở, vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiềm chế và kéo giảm TNGT đường sắt.
Điểm nổi bật trong Đề án bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt là việc hoàn thiện công tác rà soát, cập nhật, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt, lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác. Kịp thời có các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn, không phát sinh lối đi tự mở, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở. Đặc biệt, giải pháp cắm biển hạn chế phương tiện giao thông đường bộ tại các lối đi tự mở, xây dựng gờ giảm tốc để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua lối đi tự mở được đánh giá sẽ mang lại tác dụng tích cực trong việc hạn chế TNGT.
Hướng tới giải pháp bền vững
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, trong số các giải pháp bảo đảm ATGT đường sắt thì việc thay đổi thói quen tham gia giao thông và nâng cao ý thức của người dân luôn là giải pháp hàng đầu, mang tính bền vững nhất. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức về bảo đảm ATGT không chỉ có trách nhiệm của một ngành, địa phương mà của toàn xã hội. “Luật Đường sắt 2005 đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý lối đi tự mở. Cùng với đó, Bộ GTVT và các tỉnh, TP cũng đã xây dựng quy chế phối hợp bảo đảm ATGT đường sắt. Tuy nhiên, hiện nay việc phát huy vai trò và gắn chặt trách nhiệm của các địa phương đối với công tác bảo đảm ATGT đường sắt, ngăn chặn tình trạng xâm phạm hành lang ATGT đường sắt vẫn chưa được quan tâm đúng mức” – TS Nguyễn Hữu Đức nhận định. Đồng thời cho rằng, để phát sinh lối đi cắt ngang đường sắt, chính quyền xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải truy xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.
Trong khi đó, GS Bùi Xuân Phong - Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng, vấn đề lối đi tự mở và đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt cần một giải pháp mang tính bền vững chứ không phải là giải pháp tình thế theo kiểu xóa bỏ chỗ này lại mọc ra ở chỗ khác. Theo GS Bùi Xuân Phong, nếu quyết tâm và được đầu tư chính đáng thì ngành đường sắt hoàn toàn có thể xóa được hơn 4.000 đường ngang dân sinh đang tồn tại theo kế hoạch đến năm 2025. “Chúng ta đang nhìn nhận vấn đề an toàn đường sắt chưa thỏa đáng, cứ đi được là đi, cứ mở được là mở. Xóa bỏ đường ngang đã khó nhưng để những điểm đường ngang đó không bị mở lại, mở thêm càng khó hơn. Muốn bảo đảm những vị trí nhạy cảm của đường sắt được trả lại sự an toàn thì vai trò của chính quyền cơ sở đặc biệt quan trọng” – GS Bùi Xuân Phong nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần