Ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ngành thanh tra yêu cầu phải có các giải pháp trọng tâm giúp ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN.

Hoạt động xử lý hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai thường xuyên xảy ra tham nhũng vặt. Ảnh: Chiến Công
Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Thúy Hằng cho biết, năm 2020, các cơ quan hành chính của TP đã thực hiện 343 cuộc thanh tra (262 cuộc theo kế hoạch và 81 cuộc đột xuất), đã kết luận 212 cuộc. Nội dung tập trung vào thanh tra trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực: Quy hoạch, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý tài chính, tài sản công; việc thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm hơn 28 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 25 tập thể và 92 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 cuộc.
Riêng cơ quan Thanh tra TP đã triển khai thực hiện 49 cuộc thanh tra; trong đó, năm 2019 chuyển sang 28 cuộc, triển khai 21 cuộc; đã kết luận 28 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm và kiến nghị thu hồi 771 triệu đồng, chuyển cơ quan điều tra 1 cuộc. Trong đó, có nhiều đoàn thanh tra phức tạp, quy mô lớn như: Thanh tra toàn diện công tác tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung tại Trung tâm mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính); Thanh tra trách nhiệm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà; Thanh tra kết luận việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai của Công ty TNHH Thương Mại và Công nghiệp Sao Bắc tại cụm công nghiệp An Khánh; Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... phục vụ phòng, chống Covid-19; Thanh tra việc sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, đấu thầu thuốc trên địa bàn TP... Qua đó, đã góp phần ổn định tình hình chính trị trên địa bàn TP.

Đối với các kết luận thanh tra từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức thực hiện 11.277/11.931 kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 94,55%). Về kinh tế, kiến nghị thu hồi 2.496,48 tỷ đồng; đã thu hồi, xử lý: 1.974,49 tỷ đồng (79,09%). Về đất đai, kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 18.107.640m²; đã thu hồi, xử lý gần 17.890.910m2... Năm 2020, Thanh tra TP đã tiến hành đôn đốc các đơn vị thực hiện dứt điểm 529 kết luận có hiệu lực pháp luật, còn 654 kết luận phải tiếp tục đôn đốc thực hiện.

Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2021 diễn ra mới đây, lãnh đạo UBND TP lưu ý, trong năm 2021, Thanh tra TP phải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, không chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật mà cần quan tâm đến việc phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phòng ngừa; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thanh tra TP phải tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp phòng ngừa là chính, đồng thời chủ động phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm. Chú trọng việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch. Ngành thanh tra cũng phối hợp đề xuất với Thành ủy, UBND TP Hà Nội các lĩnh vực có nguy cơ, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để có những chỉ đạo cụ thể và giải pháp trọng tâm giúp ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN.