Ngân hàng bớt lợi nhuận vì quyền lợi khách hàng

Ts. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, năm 2020 các ngân hàng vẫn có một năm đạt lợi nhuận khủng, hoàn thành và vượt kế hoạch năm.

Điều đó làm cho không ít người nghĩ đến việc, trong năm 2021, ngân hàng cần có những chính sách để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của DN và khách hàng. 
Quyết tâm cứu khách hàng ra sao?

Có thể nói từ cuối quý I/2020 ngành ngân hàng đã xác định “chống dịch covid -19 như chống giặc”, với một quyết tâm hết sức cao độ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kịp thời nhiều văn bản triển khai biện pháp chống chịu dịch. Trong đó văn bản nổi bật là Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
 Nhân viên NCB hướng dẫn khách hàng làm thủ tục tại chi nhánh ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 thực chất cho phép các ngân hàng đảo nợ và không phải chuyển nợ xấu, đây là chủ trương mạo hiểm. Nhưng “Cứu khách hàng tức ngân hàng đã tự cứu mình” là khẩu hiệu hành động của mỗi ngân hàng lúc này nên đây được cho lả chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Không chỉ mạo hiểm, linh hoạt, mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước còn giao trực tiếp nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 40% lợi nhuận năm 2020 để hỗ trợ khách hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước hành chính hóa trong điều hành chính sách tín dụng là chưa phù hợp nhưng dù sao cũng thể hiện quyết tâm cao của cơ quan này vào thời điểm đó.

Các ngân hàng thương mại tư nhân dù không bị giao hy sinh lợi nhuận hỗ trợ khách hàng nhưng họ đều có tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề đáng nói ở đây chủ trương hy sinh lợi nhuận hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên thực tế triển khai đã nghiêm túc thực sự chưa? Tại sao một số DN và khách hàng cá nhân vẫn kêu ca khó khăn hoặc không được hưởng chính sách hỗ trợ đó? Đến nay chỉ có một số ngân hàng công bố con số giảm lợi nhuận năm 2020 hỗ trợ khách hàng, như Vietcombank 3.700 tỷ đồng, Vietinbank 5.000 tỷ đồng và BIDV là 6.400 tỷ đồng.

Nếu tính theo tỷ lệ thì Vietcombank hy sinh 13,85%, Vietinbank 23,25%, chỉ có BIDV hy sinh 41, 55% lợi nhuận năm 2020 để hỗ trợ khách hàng. Dĩ nhiên đó là những con số ngân hàng tự công bố chưa được kiểm toán độ tin cậy. Các ngân hàng khối cổ phần tư nhân đưa ra rất nhiều gói hỗ trợ khách hàng nhưng trên thực tế dường chỉ hô hào cho mạnh thôi. Nói nhiều mà làm ít, hô cho mạnh nhưng không làm trong câu chuyện ngân hàng hy sinh lợi nhuận năm 2020 hỗ trợ DN cho thấy hình ảnh ngân hàng trong mắt khách hàng thực sự đang bị nghi ngờ.

Kinh tế vĩ mô hỗ trợ ngân hàng

Năm 2020 dù GDP chỉ tăng 2,91% nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Do tác động của đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên toàn cầu, từ cuối quý 1/2020 các đường cung ứng cả đầu vào và đầu ra hầu hết tại các nước bị đứt đoạn. Thế nhưng kết thúc năm 2020 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019; trong khi xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 nên xuất siêu đạt 19,1 tỷ USD.

Năm 2020 nhờ lượng ngoại tệ xuất siêu 19,1 tỷ USD cộng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt 19,8 tỷ USD và cộng với khoảng 15,7 tỷ USD kiều hối đã tạo ra dư địa thị trường ngoại tệ đủ lớn để các ngân hàng thắng đậm từ kinh doanh ngoại hối do chênh lệch giá mua vào và giá bán ra đang quá rộng. Đặc biệt trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hàng chục tỷ USD tăng cao dự trữ ngoại hối nhà nước. Điều này tạo cơ hội cho ngân hàng thương mại tăng thu nhập từ giao dịch mua bán ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quyết tâm thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với dịch Covid-19. Việc 3 lần Ngân hàng Nhà nước quyết định cắt giảm lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vổn rẻ để giảm chi phí huy động vốn, từ đó có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là các khoản vay cũ và vay trung dài hạn trên thực tế đã không tương ứng với mức giảm lãi suất huy động vốn của các ngân hàng. Điều đó cho thấy chính sách nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế nhưng trước hết hỗ trợ chính các ngân hàng, hoặc ngân hàng được lợi nhiều hơn.

Lợi nhuận khủng có bất hợp lý?

Thứ nhất, thực tế các ngân hàng đã vượt bậc trong cải thiện cơ cấu nguồn thu nhập, tăng mạnh tỷ trọng thu nhập dịch vụ, đặc biệt Vietcombank đạt tới 49,8% tổng thu nhập nên ngân hàng đạt lợi nhuận khủng có thể hợp lý. Tuy nhiên, việc các ngân hàng đang có dấu hiệu tận, triệt và ép thu để quyết tâm tăng thu nhập dịch vụ đang là vấn đề cần lưu ý. Chẳng hạn để tăng thu phí dịch vụ đại lý bảo hiểm, một số ngân hàng cổ phần tư nhân dường như có quy định ngầm ép buộc khách hàng chấp nhận mua một số sản phẩm bảo hiểm khác nhau.

Thứ hai, quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng thực chất là quan hệ cộng sinh, tức quan hệ bắt buộc để cùng tồn tại và phát triển. Có nghĩa khi khách hàng khó khăn do chống chịu dịch Covid-19 đòi hỏi ngân hàng phải đồng hành thực sự để chia sẻ. Vì vậy trong khi ngân hàng đạt lợi nhuận khủng nhưng khách hàng sử dụng tiền vay và dịch vụ khác của ngân hàng lại kinh doanh khó khăn hoặc thua lỗ là điều bất hợp lý và không thể cho đó là quan hệ cộng sinh được.

Thứ ba, các khoản cho vay của ngân hàng đang có mức lãi suất cho vay phổ biến giao động từ 8% - 10%, lãi suất cho vay cá nhân và cho vay cũ có thể cao hơn. Trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 từ đầu năm tới nay liệu có bao nhiêu phần trăm khách hàng vay ngân hàng trụ vững, làm ra lợi nhuận đủ trả lãi tiền vay đúng hạn. Nguyên lý của lãi suất cho vay là không thể vượt quá lợi nhuận bình quân của DN và phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Lợi nhuận ngân hàng năm 2020 không giảm, thậm chí một số ngân hàng có lợi nhuận tăng cao trong khi GDP giảm từ 7% (2019) xuống còn 2,91% (2020) đang chỉ ra điều bất hợp lý rồi.

Cần phát triển an toàn bền vững

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 26/12/2020 kết quả thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN là đả cơ cấu cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với dư nợ khoảng 335.000 tỷ đồng. Cộng với dư nợ tiềm ẩn rủi ro dồn tích từ trước sẽ đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Hoạt động của nền kinh tế đang có xu hướng hồi phục mạnh nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro cao do dịch covid-19 trên thế giới chưa được dập tắt. Cho nên các ngân hàng nên chọn phương án phát triển an toàn bền vững cho mình.

Tại Hội nghi tổng kết ngành ngân hàng vào ngày 26/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đòi hỏi ngân hàng chưa nên vì mục tiêu lợi nhuận mà cần tiếp tục chia sẽ với DN, khách hàng để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần