Ngân hàng chật vật tăng dư nợ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14/8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 4,13% so với cuối năm 2019. Thanh khoản dư thừa, các ngân hàng đã phải tìm giải pháp để tạo đầu ra về vốn cũng như sinh lợi tốt hơn.

Đua cho vay tiêu dùng, bán bảo hiểm
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang triển khai chương trình ưu đãi cho vay tiêu dùng. Cụ thể, mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm; lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm. Tương tự, BIDV vừa dành ra 30.000 tỷ đồng cho cá nhân vay với lãi suất từ 5,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và 6%/năm cho khoản vay từ 6 - 12 tháng.
Thời gian áp dụng cho các khoản vay đến 30/9. Còn Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng mới triển khai chương trình hướng đến khách hàng cá nhân có nhu cầu mua xe ô tô. Khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 9,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Mức cho vay tối đa lên đến 80% giá trị xe ô tô. Thời gian cho vay lên đến 7 năm.
 Khách hàng giao dịch tại SHB, chi nhánh Hà Nội.  Ảnh: Thanh Hải
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, việc nhiều ngân hàng chọn giải pháp tăng tín dụng tiêu dùng có nguyên nhân từ việc hoạt động cho vay DN giai đoạn vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.
Một lĩnh vực được các ngân hàng tích cực triển khai trong thời gian qua là kênh bán bảo hiểm. Số liệu thống kê từ các ngân hàng cho thấy trong tháng 7 vừa qua, doanh số bán bảo hiểm của SCB lên đến 164 tỷ đồng, đứng đầu thị trường. Tiếp theo là VIB với 155 tỷ đồng, đứng các vị trí tiếp theo là ACB, MB và Techcombank với mức từ 90 tỷ đồng/tháng trở lên. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, doanh số bán bảo hiểm qua VIB đạt hơn 700 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường; MB xếp thứ hai, với hơn 520 tỷ đồng. Sau 4 năm, doanh số bán bảo hiểm của một số ngân hàng đã tăng... 1.000 - 2.700 lần, phần lớn đến từ khách hàng gửi tiền.
Đẩy mạnh đầu tư tài chính
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng cũng được xem là một trong những nguồn thu phí tín dụng bù đắp cho lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động chính sụt giảm. Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 của các ngân hàng cho thấy, trong khi nguồn thu lãi suất giảm, hoặc tăng nhẹ thì lãi từ kinh doanh ngoại hối vẫn tăng mạnh.
Chẳng hạn tại Eximbank, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 26%, đạt 166 tỷ đồng trong quý II/2020, trong khi quý cùng kỳ chỉ ghi nhận 20 tỷ đồng. Tương tự, tại ACB quý II/2020 ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 153 tỷ đồng, tăng 122% so với quý cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong mảng kinh doanh ngoại hối của không ít ngân hàng tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay có một phần đến từ hoạt động kinh doanh vàng miếng ở thị trường nội địa tại những nhà băng được cấp phép kinh doanh vàng.
Thuyết minh báo cáo tài chính ACB cho biết, hàng tháng, vàng được đánh giá lại theo tỷ giá giao ngay tại ngày cuối tháng. Chênh lệch do đánh giá lại hàng tháng được ghi nhận vào chênh lệch tỷ giá hối đoái trên bảng cân đối kế toán riêng vào cuối mỗi tháng và được kết chuyển vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng vào thời điểm cuối kỳ kế toán năm.
Trong báo cáo tài chính (BCTC) quý II thể hiện rõ sự chuyển hướng để dòng tiền sinh lời thông qua hoạt động đầu tư. Đơn cử, tại MB chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tăng tới 82%, lên hơn 22.100 tỷ đồng.
BCTC của Vietcombank cũng cho thấy có 18.000 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành trong khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, và 45.569 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành, trong khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn. Hoặc VPBank nắm giữ hơn 27.830 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành, tăng gần gấp đôi so với con số 14.222 tỷ đồng hồi cuối năm.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, đầu ra tín dụng vẫn gặp rất nhiều khó khăn và dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ thấp. Trong bối cảnh đó, các nhà băng chịu nhiều áp lực như phải giảm lương cán bộ nhân viên, thuyết phục cổ đông giảm lợi nhuận... Vì vậy, việc sử dụng các công cụ tài chính, bao gồm huy động vốn từ khách hàng và đầu tư vào các tài sản tài chính có chất lượng cao, trở thành hoạt động then chốt giúp nhà băng đạt được mức chênh lệch lãi suất cần thiết. Đồng thời, chứng khoán đầu tư còn dễ dàng mua và bán hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời.
Giới chuyên gia dự báo, lợi nhuận năm nay sẽ giảm khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 20 - 25% lợi nhuận toàn hệ thống so với kế hoạch các ngân hàng dự tính cuối năm 2019. Trong bối cảnh đó, không ít ngân hàng đã phải cân đối lại các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần