Ngân hàng chạy đua với tài chính tiêu dùng: Lợi nhuận khủng, nơm nớp lo rủi ro

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những vấn đề được cổ đông nhắc đến nhiều nhất trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm 2018 là chiến lược với công ty tài chính tiêu dùng. Trong khi đa số ngân hàng đặt mục tiêu lớn với con “gà đẻ trứng vàng” này thì nhiều “ông lớn” lại tỏ ra bình thản.

Nguyên nhân là bởi bài toán quản trị rủi ro thế nào để tài chính tiêu dùng không gây hệ lụy nợ xấu “khủng” như tín dụng bất động sản thời gian trước đây khi nền kinh tế đi xuống là câu hỏi lớn đã được nhiều cổ đông đặt ra.
 MCredit đang đặt tham vọng vào Top 5 công ty tài chính tiêu dùng lớn tại Việt Nam. Ảnh: Nha Trang
Tham vọng lớn

Tại ĐHCĐ VPBank mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, 5 năm qua, một trong 2 nguồn mang đến lợi nhuận lớn cho VPBank là mảng tín dụng tiêu dùng với thương hiệu FE Credit. Riêng trong năm 2017, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng của FE Credit tăng trưởng 52%. Theo tính toán, hiện FE Credit chiếm thị phần trên 50% thị phần các công ty tài chính tiêu dùng.
“2,8 triệu khách hàng của ngân hàng và hơn 5 triệu của FE Credit trong 5 năm qua sẽ là nền tảng để ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển phân khúc đại chúng thông qua các sản phẩm thông thường huy động, thanh toán, tín dụng” - ông Vinh nhấn mạnh. Sau VPBank, nhiều ngân hàng khác như MB, SHB, Seabank… đã bắt đầu tham gia hoặc có kế hoạch tham gia phát triển công ty tài chính tiêu dùng.

Là ngân hàng thứ 2 vận hành công ty tài chính, Ngân hàng Quân Đội (MB) với thương hiệu MCredit cũng đặt nhiều tham vọng trong lĩnh vực này. Theo đó, mục tiêu của MB là phát triển Mcredit thành Top 5 công ty tài chính tiêu dùng với tổng dư nợ 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng năm 2018. Mcredit đã thử nghiệm một năm các sản phẩm tài chính phù hợp nhất là đối với đối tượng quân nhân và kỳ vọng các sản phẩm này sẽ tăng trưởng doanh số nhanh trong các năm tới.

Trước đó, đầu năm 2017, SHB đã hoàn tất sáp nhập công ty tài chính Vinaconex - Viettel và dự định tấn công thị trường tài chính tiêu dùng vào quý III/2017. Tuy nhiên, đến nay, không hiểu vì lý do gì, SHB vẫn “im hơi lặng tiếng” với kế hoạch này. Mới đây, SeaBank cũng hiện thực hóa giấc mơ tấn công vào thị trường tài chính tiêu dùng nhiều tiềm năng bằng cách mua lại Công ty Tài chính Bưu điện.

Quản trị rủi ro ra sao?

Ngược lại với sự sốt sắng của đa số các ngân hàng, một số “ông lớn” khác lại tỏ ra khá bình thản, thậm chí đi “ngược dòng”. Đơn cử, Techcombank bán công ty TechcomFinance trong khi các ngân hàng khác đang “hốt bạc” với tài chính tiêu dùng. Theo Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh, Techcombank không chọn mô hình rủi ro cao, lợi nhuận cao mà tìm các ngách khác có rủi ro thấp hơn. Vì sự lựa chọn này nên Techcombank đã quyết định bán công ty tài chính.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ cũng bày tỏ quan điểm, mỗi ngân hàng có một chiến lược phát triển khác nhau. Có ngân hàng chạy đua về quy mô, có ngân hàng chạy theo chất lượng tăng trưởng. Chính vì thế nhiều ngân hàng đi ngược dòng với xu hướng chạy đua vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng là do khẩu vị rủi ro. Không tài sản thế chấp, không chứng minh khả năng trả nợ…, đa số các món vay hiện tại của ông ty tài chính tiêu dùng chỉ cần có chứng minh thư Nhân dân, sổ hộ khẩu là được phê duyệt.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Thế Minh, khi nền kinh tế phát triển tốt, tài chính tiêu dùng là lĩnh vực sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho các ngân hàng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đi xuống, thu nhập người dân giảm… thì những rủi ro cho vay tiêu dùng sẽ rất lớn. “Với các chỉ số kinh tế vĩ mô hiện tại, dự kiến 3 - 5 năm nữa, lĩnh vực này vẫn sẽ mang lại kết quả tốt cho các ngân hàng” - ông Minh đánh giá. Và chiến lược quản trị rủi ro cho “gà đẻ trứng vàng” FECredit, theo HĐQT VPBank là tiếp tục tăng cường các khoản dự phòng. Dự kiến, năm 2018, dự phòng rủi ro cho lĩnh vực này là 10.000 tỷ đồng.