Ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm lãi suất, phí giao dịch, lợi nhuận từ tăng trưởng tín dụng sẽ giảm. Ðồng thời, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng, dẫn đến việc phải tăng trích lập dự phòng… Các ngân hàng đang đứng trước một năm 2020 nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

 Hoạt động nghiệp vụ tại SeABank. Ảnh: Trần Anh

Thắt lưng buộc bụng
Ngân hàng SHB vừa triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ giảm lãi suất, phí dịch vụ cho khách hàng, chia sẻ khó khăn vì dịch Covid-19. SHB sẽ cắt giảm tối thiểu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay cùng hàng loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng". “Các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch; cấp quản lý toàn hệ thống từ phó trưởng phòng trở lên cũng giảm từ 10% - 30% tùy theo mức thu nhập; rà soát và tổ chức triển khai biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%”- thông báo của SHB cho biết.
Trong khi đó, theo thông báo của HDBank, mức giảm thu nhập từ 10% - 25% áp dụng cho những nhân viên có tổng lương từ 10 triệu đồng/tháng trở lên; mức giảm lớn nhất 25% sẽ áp dụng cho cán bộ, nhân viên, quản lý cấp cao có tổng lương trên 80 triệu đồng/tháng. Một số ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch giảm lương của cán bộ, nhân viên nhằm tiết giảm chi phí, đối phó đại dịch… và để tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, cùng với việc cắt giảm lãi suất cho vay từ mức 0,5 - 5%/năm so với lãi suất thông thường, nhiều ngân hàng cũng tiến hành giảm các loại phí, thậm chí miễn hoàn toàn phí chuyển tiền để giữ chân khách hàng.
Điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận
Hiện các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó có giảm lãi khoản vay cũ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ… BIDV cho biết đã tham gia hỗ trợ 28.000 tỷ đồng trong gói 250.000 tỷ đồng hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng. Vietcombank cho rằng đã hy sinh ít nhất 300 - 450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng...
Chưa kể, các ngân hàng đang gánh trên vai nhiều nỗi lo đó là vừa hỗ trợ DN, vừa đối phó nợ xấu tăng. Chỉ tính đến đầu tháng 3/2020, báo cáo của 23 TCTD cho thấy, có tới 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 ngân hàng và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong số này, rất nhiều ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh.
Theo NHNN, nợ xấu của toàn hệ thống tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% đề ra hồi đầu năm. Tuy vậy, “diễn biến ngày một phức tạp của dịch bệnh tác động tiêu cực tới cả hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, DN, cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, kéo theo đó là tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng” - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Mặc dù vẫn còn 3 quý kinh doanh năm 2020, song đến lúc này các ngân hàng đã nhìn thấy khó khăn phía trước và cân nhắc mục tiêu lợi nhuận. Đại diện BIDV cho biết, trước tình hình khó khăn hiện nay, có khả năng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận so với mức 12.600 tỷ đồng đặt ra ban đầu. Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 ở mức 800 tỷ đồng, thấp hơn 100 tỷ đồng so với lợi nhuận 2019. Trong Báo cáo thường niên năm 2019 vừa công bố, VietinBank chỉ đưa ra mục tiêu tăng tưởng tín dụng, huy động vốn năm 2020 mà bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2020 phụ thuộc vào lộ trình tăng vốn đang trình các cơ quan chức năng; đồng thời cũng nhận định, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng mạnh đến khả năng tăng trưởng và hiệu suất sinh lời của ngân hàng.
Ngày 3/4, Bộ Tài chính có công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, trong bốn nhóm đối tượng được bổ sung gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất như ô tô, nhà đất, công nghiệp hỗ trợ, bổ sung TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của NHNN.