Ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều ngư dân vay vốn mua “tàu 67”

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước trong thẩm quyền của mình đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tiến hành các giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều khách hàng là nông dân, ngư dân vay vốn.

Sáng 6/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn: Thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi?. 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới. Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi. Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi.
Từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.
Cơ cấu lại nợ với trường hợp bất khả kháng 
Bổ sung cho phần trả lời của bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, liên quan đến về một số cơ chế, chính sách về một số vấn đề mà cho vay theo nghị định 67 như ý kiến của ĐB Lê Công Nhường và Phan Thái Bình thì Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường cũng đã nói rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, như trong báo cáo gửi đến các ĐB trước kỳ họp, về phần tín dụng ngân hàng, chúng tôi đã báo cáo thực tế về cho vay theo Nghị định 67.
Hiện nay, tổng dư nợ và cho vay theo NĐ 67 vào khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu khoảng 33%. Trước tình hình trên, cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo bộ ngành cùng địa phương liên quan để triển khai các biện pháp và gần đây nhất là 30/10/2019, sau khi làm việc với các địa phương và bộ ngành liên quan, chúng tôi đã tiếp tục có báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp căn cơ và chúng tôi sẽ triển khai.
Về phía ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình để tiến hành các giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều khách hàng là nông dân, ngư dân vay vốn.
Thứ hai, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau và thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu tiếp tục phát sinh như vậy, vừa qua cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các ngành, trước hết, Bộ NN&PTNT tới đây sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương để rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi phát triển thủy sản, các nhóm nghề ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất hiệu quả và bền vững hơn.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng, UBND các tỉnh thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018 trong đó tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp, trong những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ, còn trong trường hợp khác có biểu hiện chây ì thì phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ.
Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ NN & PTNT và những ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu, đặc biệt có giải pháp giải quyết giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Cùng với đó, hướng dẫn bổ sung các giải pháp hỗ trợ lãi suất đối với các chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay bao gồm cả nợ quá hạn và nợ cơ cấu lại thời hạn được trả nợ.
“Chúng tôi cũng cho rằng với các giải pháp này đòi hỏi các bộ ngành trong đó bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh thành phố và các ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để có những triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần