Ngân hàng dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 4/2019 sẽ là cao điểm diễn ra Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng để thông qua những kế hoạch quan trọng của năm 2019 và giai đoạn sắp tới. Nhiều ngân hàng tỏ ra thận trọng hơn khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn năm ngoái.

Khách hàng giao dịch tại VIPBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Thận trọng

Tại ĐHCĐ Techombank mới diễn ra, ban lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế là 11.750 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Mức tăng trưởng lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với mức 32,7% trong năm 2018. ĐHCĐ Ngân hàng Nam Á vừa tổ chức cuối tháng 3 cũng thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2019 chỉ là 800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng dự kiến là 8%. Tại Ngân hàng VIB, cổ đông cũng đã chấp thuận kế hoạch 2019 lợi nhuận trước thuế là 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Trước đó, năm 2018 VIB đạt 2.743 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 162%.

ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vào ngày 10/4 đã thông qua mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng mẹ cũng chỉ tăng 32% lên 800 tỷ đồng dù 2 năm trước đó mức tăng lần lượt là 67% (2018), 158% (2017)…
Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 sẽ không quá lạc quan. Nguyên nhân là do hệ thống ngân hàng vẫn còn rất nhiều các thách thức như vấn đề tăng vốn, xử lý nợ xấu và đi kèm với đó là chi phí sẽ tăng. Dù vậy, đây là yêu cầu tất yếu nếu muốn ngành ngân hàng lành mạnh hơn. 

TS Nguyễn Trí Hiếu

Theo yêu cầu của NHNN, các NHTM phải hoàn tất ĐHCĐ trước khi kết thúc tháng 4. Do đó, ĐHCĐ của các ngân hàng sẽ dồn dập diễn ra trong hai tuần cuối cùng của tháng 4. Như HDBank, SHB, TPBank, MSB, ACB và VietinBank (tổ chức đại hội vào 23/4). Tiếp sau đó, ngày 24/4 sẽ diễn ra ĐHCĐ của LienVietPostBank. PVcomBank và ABBank thì tổ chức vào ngày 25/4. Ngày 26/4 cũng diễn ra đại hội của nhiều cái tên “hot” như Vietcombank, BIDV, Eximbank, NCB, Sacombank. Ngân hàng Quân đội (MBBank) tổ chức vào ngày 27/4.

Dù chưa tổ chức ĐHCĐ, song theo tài liệu các ngân hàng đã công bố để chuẩn bị họp ĐHCĐ, mức tăng trưởng lợi nhuận đặt ra cũng thấp hơn nhiều so với năm 2018. Chẳng hạn, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 5.077 tỷ đồng, tăng trưởng 26,8% - thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 65,7% năm 2018; VPBank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng trong năm 2019 so với 10.800 tỷ đồng của năm 2018. Hay MB cũng chỉ đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 20% - thấp hơn mức tăng trưởng 31% năm 2018...

Một trong số các NHTM Nhà nước là Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2019 khoảng 12% đạt 20.000 tỷ đồng. Trong khi năm trước, lãi trước thuế hợp nhất của Vietcombank đạt 18.356 tỷ đồng, tăng 62% và vượt 38% kế hoạch.

Tăng vốn, trích dự phòng cho nợ xấu

Thống kê đến thời điểm hiện tại, chưa có ngân hàng nào trong số các đơn vị đã họp ĐHCĐ hay có tài liệu họp công bố công khai đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận vượt 30%. Theo các chuyên gia, việc này đã được dự báo từ trước. Hết 3 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt 2,38%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra năm nay ở mức 14% và khả năng các ngân hàng sẽ khó đẩy tín dụng tăng cao. “Khi room tín dụng được phân bổ ít hơn, nguồn vốn ra ngày càng ít, ngân hàng phải tính lại tăng trưởng hoạt động cho vay. Bên cạnh đó, NHNN siết chặt tăng trưởng tín dụng và các quy định về an toàn vốn cũng khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm lợi nhuận” – lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội chia sẻ.

Ngoài chỉ tiêu tín dụng thấp, tại ĐHCĐ của các ngân hàng năm nay còn xoay quanh câu chuyện xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019. Các ngân hàng cũng còn phải ưu tiên tăng vốn để đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II. Ngoài ra, theo các chuyên gia, thách thức áp lực lạm phát năm nay sẽ gây áp lực cho lãi suất. Với mức lãi suất huy động cao, cũng khiến lợi nhuận ngân hàng trước mắt giảm đi.
Năm nay, tái cơ cấu ngân hàng tiếp tục tập trung mạnh mẽ, sẽ mất dần những DN “sân sau” của ngân hàng khi không còn đất sống. Nguyên nhân là do NHNN kiểm soát tín dụng bất động sản. Những dự án bất động sản sẽ không còn là mảnh đất màu mỡ để họ đổ vào. Thứ hai, việc đầu tư tín dụng chủ yếu vào 2 nguồn: Cho vay cá nhân và cho vay sản xuất kinh doanh. Hai lĩnh vực này đòi hỏi năng lực ngân hàng thực chất hơn đối với cho vay bất động sản… 

TS Đinh Thế Hiển

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần