Ngân hàng Hợp tác xã cần phát huy vai trò đầu mối, liên kết hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Đức Nghiêm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đã nhấn mạnh như vậy tại Đại hội đại biểu thành viên năm 2018 của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, ngày 29/3 tại Thừa Thiên Huế.

 Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Đại hội
Năm 2018, bám sát sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Ngân hàng Hợp tác đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống, góp phần hỗ trợ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phát triển an toàn.
Đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác là 33.724 tỷ đồng, tăng 12,77% so với 31/12/2017; tổng dư nợ cho vay là 23.875 tỷ đồng, tăng 15,9% so với 31/12/2017, trong đó dư nợ cho vay các QTDND là 7.429 tỷ đồng; dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân là 16.446 tỷ đồng.
Ngân hàng Hợp tác cũng tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ dành cho các QTDND như: liên kết với QTDND để triển khai cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với giáo viên tại các trường học, sản phẩm cho vay hợp vốn giữa Ngân hàng Hợp tác với QTDND để cho vay thành viên QTDND, sản phẩm thẻ thấu chi, sản phẩm thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank….
 Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng bằng khen cho các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHHT
Ngân hàng Hợp tác đã tích cực hỗ trợ vốn cho các QTDND nhằm tăng cường hoạt động cho vay thành viên. Các QTDND gặp khó khăn trong việc chi trả tiền gửi cho khách hàng gửi tiền đã được Ngân hàng Hợp tác cho vay hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, giúp các QTDND khôi phục trở lại hoạt động bình thường. Doanh số cho vay thanh khoản trong năm 2018 là 515 tỷ đồng.
Định hướng năm 2019, Ngân hàng Hợp tác tiếp tục thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của các QTDND, triển khai các chức trách, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối trong liên kết hệ thống, điều hòa vốn, kiểm tra, giám sát an toàn hệ thống QTDND theo quy định; bám sát diễn biến thị trường, điều hành lãi suất linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức huy động, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, phát triển các sản phẩm mới về cho vay và huy động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác.

 Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Trần Quang Khánh - nguyên Chủ tịch HĐQT NHHT và Huân chương Lao động hạng Nhì cho NHHT chi nhánh Kiên Giang
Thực hiện mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm đáp ứng vốn phát triển kinh tế và phục vụ đời sống khu vực nông nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ngân hàng Hợp tác đã đạt được trong thời gian qua. Theo đó, cùng với toàn ngành Ngân hàng, Ngân hàng Hợp tác đã tích cực triển khai Phương án cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Hoàn thành tốt vai trò là ngân hàng của các QTDND, làm đầu mối điều hòa, cân đối vốn cho hệ thống QTDND và hỗ trợ các QTDND hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào kết quả chung của Ngành và kết quả củng cố, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả, tính liên kết trong hoạt động của hệ thống QTDND và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước.

 Các cá nhân vinh dự nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN Việt Nam
Đối với các QTDND, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý, cần tiếp tục triển khai đầy đủ các nội dung, giải pháp được phê duyệt tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của từng QTDND.

 Các QTDND được khen thưởng thành viên thực hiện tốt mối liên kết hệ thống
 Các QTDND được khen thưởng thành viên thực hiện tốt mối liên kết hệ thống
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được thành lập thí điểm theo Quyết định 390/QĐ -TTg ngày 27/07/1993 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mô hình QTDND 3 cấp: Qũy tín dụng Trung ương, QTDND Khu vực và QTDND cơ sở. Với mô hình 3 cấp, QTDND Khu vực chủ yếu giữ vai trò là một cấp trung gian chuyển vốn đến các QTDND cơ sở.
Năm 2000, đánh dấu bước chuyển mới của Qũy tín dụng Trung ương với việc Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND. Theo đó, NHNN đã phê duyệt Đề án tổng thể mở rộng mạng lưới hoạt động của Qũy tín dụng Trung ương với việc chuyển đổi hệ thống QTDND thành mô hình hai cấp, trong đó 21 QTDND Khu vực được sáp nhập vào Qũy tín dụng Trung ương và chuyển thành Chi nhánh. Đồng thời đưa công tác điều hòa vốn cho hệ thống về một mối với việc các Chi nhánh Qũy tín dụng Trung ương tiếp nhận công tác điều hoà vốn cho các QTDND cơ sở từ 32 Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố nơi chưa có QTDND khu vực. 
Thực hiện Luật các TCTD năm 2010, từ tháng 7/2013 Qũy tín dụng Trung ương được chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới. 

Vai trò đầu mối của Ngân hàng Hợp tác xã được cải thiện rõ rệt; cơ chế điều hoà vốn đã có chuyển biến tích cực, linh hoạt; nguồn vốn điều hoà nội bộ trong hệ thống đã có bước tăng trưởng vượt bậc; tính liên kết hệ thống ngày càng chặt chẽ.
Trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển, hiện Ngân hàng Hợp tác xã có 32 Chi nhánh và gần 70 Phòng Giao dịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang khẳng định vai trò là Ngân hàng của các QTDND, giữ vai trò đầu mối điều hòa vốn, bảo đảm an toàn của hệ thống thông qua việc hỗ trợ tài chính và giám sát hoạt động trong hệ thống QTDND, cung ứng các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng hiện đại đến các QTDND, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND ngày càng phát triển, trở thành một động lực xoá đói giảm nghèo, đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn, tiến tới hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Toàn hệ thống QTDND hiện có 1.183 QTDND, hoạt động trên 57 tỉnh/thành phố với số lượng trên 1,6 triệu thành viên. Đa số các QTDND đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, chỉ thị của NHNN, phát huy được vai trò trong công tác huy động vốn, cho vay, hỗ trợ thành viên trên địa bàn, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống người dân, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tín dụng đen.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần