Ngân hàng lãi lớn nhờ tín dụng, ngoại hối

Theo GTVT
Chia sẻ Zalo

Dù vẫn chưa thoát khỏi trụ cột là mảng tín dụng nhưng một số ngân hàng đã thành công với đa dạng “sắc màu” lợi nhuận trong bức tranh 9 tháng nhờ kinh doanh chứng khoán, mua bán nợ, kinh doanh ngoại hối...

Tỷ giá biến động, nhiều ngân hàng “ăn đủ”
Những ngày cuối tháng 12, các ngân hàng thương mại tiếp tục niêm yết giá USD sát 22.800 đồng/USD - mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Không phải đến thời điểm này tỷ giá mới biến động mạnh mà đã sôi động ngay từ đầu năm. Dựa trên công bố về tỷ giá giữa USD với VND tại Vietcombank, chỉ trong quý III vừa qua, tỷ giá biến động (chênh lệch giữa mức cao nhất và mức thấp nhất) là 0,6%. Còn tính từ đầu năm tới hết quý III, mức biến động là 0,9%.
 Vì lợi nhuận, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá nóng dẫn đến nợ xấu. Ảnh: Tạ Tôn
Diễn biến này đã góp phần quan trọng giúp nhiều ngân hàng ghi nhận lãi “khủng” nhờ kinh doanh mảng ngoại hối. Đơn cử như Vietinbank, lãi từ kinh doanh ngoại hối quý III đạt 130,9 tỷ đồng, cao hơn 330,8% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 9 tháng, lãi từ kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này tăng mạnh 397,6% lên con số 474,7 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối của BIDV cũng đảo ngược tình thế khi 9 tháng đầu năm 2016 ghi nhận lãi lớn 374,3 tỷ đồng, riêng đóng góp của quý III là 186,8 tỷ đồng; trong cùng kỳ năm 2015 đều lỗ.
Một “điển hình tiên tiến” khác là Techcombank. Sự bứt phá về lợi nhuận đã đưa ngân hàng này lên top đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Trong 9 tháng đầu năm, Techcombank lãi 2.290,2 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đóng góp vào mức tăng trưởng này có sự góp mặt của mảng kinh doanh ngoại hối với khoản lãi 161,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 80 tỷ đồng)...
Với biến động tỷ giá trong quý IV/2016 đã lên tới 2%, chắc chắn bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng cuối năm nay sẽ có thêm nhiều bất ngờ nữa.
Phần lớn vẫn trông chờ vào tín dụng
Trong số 6 ngân hàng có lợi nhuận vượt trội trong 9 tháng qua thì chỉ có một ngân hàng kinh doanh ngoại hối lỗ là VPBank nhưng lại được bù trừ nhờ tăng lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư. Trong 9 tháng, lãi từ mảng kinh doanh này của VPBank đã tăng mạnh 47,6% lên 146,4 tỷ đồng, góp phần vào mức lãi chung 9 tháng là 2.621,5 tỷ đồng. Chỉ là ngân hàng có quy mô tầm trung nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận 38% đã đưa hiệu quả hoạt động của VPBank lên một ngưỡng mới.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì đóng góp vào lợi nhuận của VPBank phải kể đến mảng tín dụng khi báo cáo tài chính ghi nhận thu nhập lãi thuần 9 tháng tăng tới 45% lên 10.950,5 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý III của VPBank, “Thu nhập lãi cho vay khách hàng” và “Thu khác từ hoạt động tín dụng” là hai mục có mức tăng trưởng rất cao, lần lượt 41,7% và 101,5%. Riêng hai khoản này đã đóng góp 83,7% của thu nhập lãi thuần.
Không chỉ VPBank, Techcombank cũng đã đẩy mạnh tín dụng trong năm qua. Nhờ đó, lãi từ hoạt động tín dụng (tăng 30,4%) cùng với khoản thu khác từ hoạt động tín dụng (tăng tới 1.859%) đã đẩy lợi nhuận sau thuế của Techcombank lên 2.290,2 tỷ đồng (tăng tới 89,5%) so với 9 tháng năm ngoái.
Lãi từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng hiện vẫn chiếm từ 80-90% kể cả các ngân hàng lớn. Đơn cử như ngân hàng có lợi nhuận đứng đầu hệ thống là Vietinbank thì thu nhập lãi từ cho vay khách hàng, cho thuê tài chính và thu nhập khác từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn và ghi nhận tăng trưởng cao (30,5%; 19,2% và 79,2%). Dù Ngân hàng Nhà nước đã tích cực kiểm soát chất lượng tín dụng, cảnh báo tín dụng đổ vào bất động sản và không đồng ý cho nhiều ngân hàng được nới chỉ tiêu tín dụng 2016 nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay tín dụng vẫn là trụ cột, thậm chí còn “gánh” theo cả các mảng kinh doanh ngoài tín dụng thua lỗ. Đơn cử như LienVietPostBank đã bất ngờ lãi 699,4 tỷ đồng, tăng 128,7% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng đạt 72 nghìn tỷ đồng (tăng 28%) trong khi các hoạt động kinh doanh khác đều giảm sút như mảng dịch vụ lỗ 212 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 230 tỷ đồng, lỗ thuần từ hoạt động khác là 136 tỷ đồng...

Để thực hiện chỉ đạo về giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho các DN, các ngân hàng phải tăng cường các mảng kinh doanh ngoài tín dụng. Bên cạnh kinh doanh ngoại hối, hiếm hoi trong việc chuyển đổi này có Vietcombank khi một khoản lãi ngoài tín dụng tăng mạnh là mảng mua bán nợ (tăng trưởng cao nhất 9 tháng qua với 1.985%). Nghiệp vụ mua bán nợ của Techcombank cũng tăng trưởng 168,2% trong 9 tháng. BIDV có khoản thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng mạnh 1.209,9%...

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho hay, hiện nay nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng đang chiếm khoảng 74% trong cơ cấu lợi nhuận. Còn lại 26% là từ các mảng dịch vụ khác như dịch vụ thanh toán thẻ, bảo lãnh, kinh doanh ngoại hối, tư vấn… Cơ cấu như trên theo đánh giá của các tổ chức quốc tế là chưa tốt song nhiều ngân hàng đã cố gắng cải thiện bởi nếu chỉ trông cậy vào nguồn thu từ tín dụng sẽ không ổn định và nhiều rủi ro bởi bản thân hoạt động cho vay đã rủi ro và kém ổn định rồi.