Ngân hàng lớn đang “nổ” về lợi nhuận?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng kết hoạt động năm 2016, một loạt ngân hàng (NH) lớn đua nhau “khoe” lợi nhuận với những con số khá ấn tượng.

Những con số ấn tượng
Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của VietinBank, lợi nhuận năm 2016 của NH này đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015 và hoàn thành 104% kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Trước VietinBank, 2 NH lớn khác là BIDV và Vietcombank cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 với mức lợi nhuận trước thuế và sau trích lập dự phòng lần lượt là 7.507 tỷ đồng và 8.212 tỷ đồng.
 Vietcombank đã báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 với mức lợi nhuận trước thuế và sau trích lập dự phòng lần lượt là 7.507 tỷ đồng và 8.212 tỷ đồng.
Nếu lập bảng đánh giá, xếp hạng về các chỉ tiêu tài chính như quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ, cho vay, tiền gửi hay lợi nhuận thì vị trí top đầu sẽ chỉ quanh đi quẩn lại 3 "ông lớn": BIDV, VietinBank và Vietcombank. Về xử lý nợ xấu, Vietcombank là NH đầu tiên tham gia vào giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN và cũng là NH đầu tiên sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)... Tỷ lệ nợ xấu của BIDV được kiểm soát ở mức 1,47% trên tổng dư nợ. Đại diện VietinBank cũng cho biết, đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 1%, thấp nhất trong các NH thương mại (NHTM). VietinBank cũng công bố sẽ mua lại toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC bằng nguồn lực của mình.
Gánh nặng trách nhiệm
Trong kế hoạch năm 2017 của NH Nhà nước (NHNN) tiếp tục đưa tái cơ cấu NH là mục tiêu số 1, vì thế vai trò của các NH trên là rất lớn. Ngoài việc tự tái cơ cấu thì trách nhiệm rất lớn của các NH này được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, đó là tham gia cùng hệ thống NH tái cơ cấu các tổ chức tín dụng khác và cần chuẩn bị nguồn lực để tham gia vào quá trình này.
Theo Đề án Tái cơ cấu hệ thống NH giai đoạn vừa qua, các NH lớn tích cực triển khai các giải pháp theo đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt: Sáp nhập NHTM khác (chẳng hạn MHB sáp nhập vào BIDV, Vietcombank tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, VietinBank tham gia tái cơ cấu GPBank, OceanBank…); tham gia cơ cấu lại NHTM cổ phần yếu kém và được kiểm soát đặc biệt theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt. Các NHTM Nhà nước có hình thức hỗ trợ như: Cử cán bộ có trình độ tham gia quản trị điều hành; triển khai các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, huy động, ứng dụng công nghệ, chấn chỉnh và xử lý các tồn đọng.
 “Việc NH nhỏ xin được về với NH lớn là điều dễ hiểu, vì bối cảnh cạnh tranh của ngành ngày càng phức tạp. Nhưng khi nhận NH yếu về liệu có là gánh nặng đối với NH mạnh? Khi nhận NH yếu về làm "con nuôi” cũng có điều hay vì NH mẹ có thể tận dụng cơ hội mở rộng thêm mạng lưới. Nhưng ngược lại, theo phân tích, nguyên tắc của cơ quan quản lý là không cho tổ chức tín dụng yếu "chết”. NH yếu bắt buộc phải hồi sinh với hình hài khác dưới một NH mạnh hơn. Chuyện NH lớn trong thời gian đầu sáp nhập phải gánh thêm các chi phí về quản lý, nhân sự, xử lý nợ xấu là có” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Đến giờ, BIDV đã nhận sáp nhập xong MHB và năm 2016 là năm đầu tiên họ hòa nhập để nối dài cánh tay hoạt động; VietinBank vẫn chưa tiến hành nhận sáp nhập PGBank, và Vietcombank vẫn thế. Đơn cử, VietinBank cả năm ghi nhận vượt kế hoạch nhưng lợi nhuận quý IV lại thấp nhất trong năm 2016. Kế hoạch về một nhà với PGBank tiếp tục "lỡ dở" trong năm 2016 khiến NH này vẫn chưa thể hoàn tất tăng vốn.