Ngân hàng lưu động phục vụ tận nơi cho người nghèo

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không cần trực tiếp đến ngân hàng nhưng người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong cả nước vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

Hiệu quả từ giao dịch bằng xe lưu động
Trước đây, mỗi lần muốn giao dịch với Agribank, người dân ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải đi hàng chục ki lô mét mới có thể đến các điểm giao dịch. Thế nhưng, với mô hình giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng mà Agribank Hà Tĩnh triển khai, bà con có thể thực hiện các giao dịch ngay chính tại địa phương mình. Điểm giao dịch lưu động có cơ cấu tổ chức hoạt động giống như một Chi nhánh Agribank, được sử dụng con dấu và tư cách pháp lý của chi nhánh trực tiếp quản lý để thực hiện các nhiệm vụ như nhận tiền gửi, tư vấn tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn của khách hàng.
 Một điểm giao dịch lưu động của Agribank trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Nguyên Anh
Không chỉ địa bàn Hà Tĩnh, đã có 30 chi nhánh thực hiện điểm giao dịch lưu động như Hà Nam, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Lào Cai, Tây Ninh, Đồng Nai… Có những địa bàn khoảng cách từ xã xa nhất đến phòng giao dịch là trên 60km. Qua đánh giá của chính quyền và Nhân dân các địa phương, từ khi điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hoạt động đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng; giảm chi phí, thời gian đi lại, tạo an toàn cho người dân. Kịp thời chuyển đồng vốn đến với bà con nông dân đầu tư phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt đây cũng là một kênh quan trọng giúp đẩy lùi tín dụng đen tại các vùng nông thôn.

"Cầm theo khoản tiền lớn lại đi xa nên tôi rất không yên tâm, đa phần đều phải đi cùng chồng, rất mất công và cực thân. Nay có điểm giao dịch gần nhà thế này tôi thấy rất tiện lợi. Hiện mỗi tuần chỉ có 2 buổi giao dịch, giá mà tăng thêm 5 buổi thì chúng tôi càng vui hơn" - chị Nguyễn Thị Hồng ở huyện Đăk Glong hồ hởi chia sẻ.

Triển khai thêm đợt 2

Sau hơn 10 tháng triển khai thực hiện, mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã phục vụ cho 225.288 lượt khách hàng tại 236 xã trong cả nước. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2018, các chi nhánh đã tổ chức giao dịch tại 163 xã, trong đó có những chi nhánh đã triển khai trên nhiều địa bàn như Sơn La (20 xã), Lạng Sơn (10 xã), Ninh Bình (14 xã), Thái Nguyên (13 xã). Một số chi nhánh có số lượng khách hàng giao dịch bình quân lớn trong phiên giao dịch như Thanh Hóa có 618 khách hàng/1 phiên giao dịch, Hà Tĩnh có 148 khách hàng/1 phiên giao dịch.

Hiện tại, trung bình một điểm giao dịch phục vụ cho 110 khách hàng; thực hiện giải ngân, thu nợ cho 8.810 khách hàng với số tiền 1.008 triệu đồng, huy động tiết kiệm với 3.450 khách hàng... Ngoài ra, các điểm giao dịch lưu động cũng cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích khác như: Chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp ngân sách Nhà nước, bán bảo hiểm... với 23.208 khách hàng.

Từ tháng 11/2018, Agribank đã tiếp tục triển khai điểm giao dịch lưu động đợt 2 giai đoạn I, trang bị thêm 38 xe ô tô phục vụ khách hàng địa bàn nông thôn các tỉnh, TP trên toàn quốc, tổ chức triển khai rộng rãi để khách hàng trên cả nước thuận tiện giao dịch. Chủ động cử cán bộ học tập kinh nghiệm của các chi nhánh đã triển khai hiệu quả Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng…

Agribank cũng cho rà soát lại các văn bản quy định, chỉnh sửa kịp thời phù hợp với hoạt động của Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng; thường xuyên kiểm tra, giám sát đột xuất đối với hoạt động của Điểm giao dịch lưu động; đẩy nhanh tiến độ trang bị xe ô tô chuyên dùng, bố trí xe hợp lý với đặc điểm hoạt động của từng đơn vị đồng thời tiến hành các thủ tục mua xe giai đoạn II.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần