Ngân hàng mách nước doanh nghiệp tiếp cận vốn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Yêu cầu cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh chóng được các ngân hàng thương mại (NHTM) hưởng ứng khá nhiệt tình, cho dù động thái cắt giảm lãi suất sẽ khiến lợi nhuận giảm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Vietcombank cũng phát đi thông báo cho biết chính thức giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm sau quyết định của NHNN. Trước đó, LienVietPostBank, VPBank, BIDV, Agribank cũng là các ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 10/7. Thậm chí với SCB (NHTM CP Sài Gòn ) còn giảm lãi suất cho vay 0,5 điểm phần trăm cho tất cả các khoản cho vay, thay vì chỉ hạ lãi suất nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Chờ doanh nghiệp minh bạch

Là chủ một DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhựa ở Hà Nội, chị Mai Phương (Tây Hồ) thường xuyên phải để một khoản vốn lưu động, đảm bảo cho việc kinh doanh của công ty. Chị đến Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để tiếp cận với khoản vay tín chấp. Sau 5 ngày chuẩn bị thủ tục theo yêu cầu, và chỉ mất hơn 5 tiếng đồng hồ từ khi nộp thủ tục cho phía ngân hàng, chị đã nhận được khoản vay hơn 1 tỷ đồng.
 Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VPBank Hà Nội.   Ảnh:  Thanh Hải

Ông Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hải Trang (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, so với những giai đoạn trước đây, nay thủ tục vay vốn ngân hàng đã thông thoáng hơn nhiều, DN, đặc biệt những DN nhỏ và vừa (DNNVV) đã tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn. Thực tế, ngân hàng nào cũng có các chương trình dành riêng cho các DNNVV vay nhằm giúp khu vực DN này tháo gỡ khó khăn về vốn. Tuy vậy, không phải DN nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được các gói cho vay tín chấp, vay dựa trên giá trị hợp đồng cung cấp hàng hóa, mà chỉ áp dụng cho khách hàng VIP và khách “ruột” của ngân hàng.

Bà Nguyễn Kim Oanh - Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Việt Phú chia sẻ, lâu nay DN vay vốn rất khó khăn bởi giữa chính sách và thực tế là khoảng cách lớn. Bà đã mời nhiều ngân hàng về tận nơi xem cơ sở sản xuất nhưng ngân hàng từ chối với đủ lý do.

Cùng chung khó khăn này, ông Thế Hùng - chủ một DN chuyên sản xuất bu lông, ốc vít cho biết, hiện nay, yêu cầu DN phải thế chấp. Nhưng DN hiện có địa chỉ nhưng không có sổ đỏ, không có tài sản có giá trị để thế chấp ngân hàng, nên từ mấy năm nay không vay được ngân hàng. Trong khi anh Minh - giám đốc một công ty phần mềm ở Lê Thanh Nghị kiến nghị, không chỉ thế chấp bằng đất, bằng tài sản mà ngân hàng nên chăng cho DNNVV thế chấp tài sản bằng bản quyền sáng chế hay những tài sản vô hình khác và xem đây là mô hình thí điểm.

Tín dụng thiết kế riêng cho từng ngành

Theo đại diện một ngân hàng trên phố Láng Hạ, hiện đúng là hầu hết các ngân hàng đều có những chương trình chăm sóc khách hàng rất tốt, trong đó những khách hàng có nhiều giao dịch hoặc giao dịch lớn sẽ được đưa vào danh sách khách hàng thân thiết, khách hàng VIP để chăm sóc tốt hơn. Và nếu có tên trong nhóm này, khách hàng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như vay vốn với lãi suất thấp hơn, phí dịch vụ rẻ hơn, điều kiện giải ngân thông thoáng hơn, thủ tục và thời gian giải ngân nhanh chóng hơn, hạn mức cao hơn…

Theo yêu cầu của VP Bank, DN phải đáp ứng các điều kiện gồm: Hoạt động từ 2 năm trở lên, không có nợ nhóm 2, có doanh thu trên báo cáo thuế tối thiểu 5 tỷ đồng sẽ được vay 500 triệu đồng (10% doanh thu) trong vòng 12 tháng, cho vay tối đa 5 tỷ đồng. Còn ở Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), DN phải có thời gian hoạt động từ 2 năm trở lên, có doanh thu thuần từ 20 tỷ đồng trở lên, được vay 10% doanh thu, tối đa 4 tỷ đồng. Trong quá trình vay, DN duy trì lịch sử tín dụng tốt sẽ được nâng hạn mức tối đa đến 100 tỷ đồng.

Tuy vậy, với các DN siêu nhỏ vẫn có thể được vay vốn lưu động nhưng số lượng giải ngân thấp và lãi suất có thể cao hơn một chút do yếu tố rủi ro. Cụ thể, với các đối tượng nhỏ, ngoài những sản phẩm kể trên, ngân hàng còn giới thiệu thêm cho các DN thẻ tín dụng. Sản phẩm này thường là các món vay nhỏ phù hợp với nhu cầu vay vốn của các DN nhỏ. Theo đại diện của VPBank, để ngân hàng có thể hỗ trợ DN tốt hơn thì bản thân các DN phải xây dựng mối quan hệ với ngân hàng một cách nghiêm túc, giống như cách họ thể hiện với các nhà cung cấp quan trọng. DN nên thông báo thường xuyên cho ngân hàng các kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính để ngân hàng chủ động có giải pháp trợ giúp DN khi gặp khó khăn.

Theo ông Quách Hùng Hiệp -Phó Tổng Giám đốc NHTM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mục tiêu tín chấp như thế nhưng sự hỗ trợ cần phải thế nào, đó là nút thắt nên cần hoàn thiện. Ở những thị trường kém phát triển, các ngân hàng thường từ chối cho DN vay do khó định giá tài sản thế chấp. Khi nói đến việc cho vay có bảo đảm, nhìn bề ngoài thì dễ thấy chỉ có tài sản hay bất động sản, song thực chất là các ngân hàng phân tích kỹ nhiều mặt hoạt động của DN. “Đặc biệt, hiện nay ngân hàng không chỉ hỗ trợ DN về vốn, lãi suất mà còn hỗ trợ về tư vấn phương án công nghệ, phương án tài chính cho DN”- ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế tháng 6/2017 và 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để duy trì giảm được mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay, cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý: Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2 - 4%. Đồng thời, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ. Hiện, những lĩnh vực ưu tiên chỉ có mức tăng khoảng 12 - 14%, do vậy vẫn còn dư địa để tăng tiếp.


OCB đã triển khai thành công gần 30 Trung tâm hỗ trợ DNNVV (SME) trên toàn quốc và dự kiến con số này sẽ là 35 đến hết năm 2017. Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân, linh hoạt về kỳ hạn vay, thời gian trả nợ cho khách hàng… OCB liên tục cập nhật diễn biến thị trường, nắm bắt nhu cầu, đặc thù ngành nghề để “thiết kế may đo” những sản phẩm cho từng đối tượng doanh nghiệp ở nhiều hạng mục: Cho vay, bảo lãnh, tài trợ thương mại, quản lý dòng tiền, dịch vụ thanh toán quốc tế… Tại Trung tâm SME, các khách hàng có thể thảo luận về các yêu cầu ngân hàng với các nhân viên được đào tạo chuyên biệt, qua đó nhân viên ngân hàng có thể hỗ trợ cho khách hàng tốt hơn.


Tại Techcombank, ngoài gói vay vốn lưu động đơn thuần, Techcombank còn đưa ra các gói tín dụng chuyên biệt cho riêng một số ngành, như ngành nhựa và ngành dược nhằm cung cấp, hỗ trợ giải quyết những khó khăn riêng, đặc thù của từng ngành một cách triệt để và phù hợp nhất. Đơn cử như ngành dược, các DN cần vay vốn trong ngành có thể thế chấp bằng quyền đòi nợ đã hình thành và quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ các bệnh viện, hay bằng hàng hóa là dược phẩm và vật tư y tế cung cấp cho bệnh viện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần