Ngân hàng năm 2019: Lợi nhuận nghìn tỷ, thách thức ngàn cân

TS. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 được đánh giá là năm được mùa của ngành ngân hàng. Để duy trì được thành công này trong năm 2019, dự báo các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài cũng như không ít khó khăn nội tại dồn tích.

 Giao dịch tại Chi nhánh VietinBank Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng

Kinh tế vĩ mô năm 2019 có biến động?
Theo nhận định của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng chính phủ, năm 2019 nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,9 – 7% và lạm phát dưới 4%. Liệu nhận định này có độ rủi ro?

Thứ nhất, do độ mở tài chính quốc gia cao hơn trình độ phát triển nền kinh tế, nền kinh tế nước ta nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Hiện chưa đủ tín hiệu rõ ràng để cho rằng Cục dự trữ Liên Bang Mỹ không tiếp tăng lãi suất trong năm 2019, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chỉ tạm ngừng 90 ngày (từ 1/12/2018) chưa có dấu hiệu kết thúc. Khó có thể tiên lượng mức độ tác động, song khó khăn cho ổn định kinh tế vĩ mô năm 2019 là đã nhìn được. Đó là chưa kể các tác động bất thuận khác đến bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, như cân đối ngân sách quốc gia chưa bền vững, áp lực nợ công lớn, tái cấu trúc nền kinh tế đang nhiều gian nan.

Thứ hai, năm 2018 có 5 yếu tố tác động để kiểm soát được lạm phát dưới 4% là: giá dầu thô thế giới liên tục giảm; tạm hoãn đưa thuế môi trường vào giá xăng dầu; khống chế chưa tăng giá điện và giá dịch vụ y tế; khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng; lãi suất cho vay duy trì ổn định. Thế nhưng sang năm 2019, chỉ riêng yếu tố khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng được coi là khả thi, yếu tố giá dầu thô giảm lại hoàn toàn phụ thuộc thị trường thế giới, yếu tố duy trì lãi suất cho vay ổn định là khó khăn, trong khi yếu tố giá xăng dầu phải cộng thêm thuế môi trường kịch trần đã đến hạn theo luật định, yếu tố còn lại là giá điện và giá dịch vụ y tế đã đến lộ trình không thể trì hoãn.

Ngân hàng tiếp tục đua lãi suất

Không chỉ lãi suất USD có thể tiếp tăng trong năm 2019, mà lãi suất hầu hết các đồng tiền chủ chốt đang và sẽ tăng theo, về lý thuyết lãi suất VND buộc phải tăng lên mức độ nhất định. Minh chứng là từ tháng 8/2018, một số ngân hàng nhỏ bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi, số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi nhiều hơn vào tháng 9/2018 và từ tháng 10/2018 dường như 100% ngân hàng đều tăng lãi suất tiền gửi với mức độ khác nhau.

Thực tế có lý giải khác nhau về việc này, đó là theo thông lệ cuối năm, các ngân hàng cần nguồn vốn để tăng tốc cho vay hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho phép hoặc các ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn lấp vào chỗ trống do từ 1/1/2019 chỉ được sử dụng 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay bởi 45% như trước đó. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây, mức tăng lãi suất tiền gửi cao nhất của nhóm 4 ngân hàng cổ phần (NHCP) nhà nước chỉ dao động từ 6,8 – 7,0%/năm, trong khi các ngân hàng nhóm còn lại mức lãi suất cao nhất từ 8,5 – 8,8%/năm. Như vậy, độ doãng lãi suất tiền gửi cao nhất của 2 nhóm ngân hàng cách nhau từ 1,5 – 2%/năm. Phải chăng đây là báo hiệu cho một cuộc cạnh tranh lãi suất tiền gửi sẽ diễn ra trong năm 2019 giữa các nhóm ngân hàng. Đương nhiên, tăng lãi suất tiền gửi buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay. Thực tế, từ cuối năm 2018, lãi suất tiền gửi tăng đã đến mức một số ngân hàng quy mô nhỏ buộc phải nâng nhẹ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, cũng chưa thể khẳng định việc 4 NHCP nhà nước đồng loạt giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên vào đầu tháng 1/2019 là tín hiệu giảm lãi suất cho vay trong năm 2019. Vì chương trình cho vay áp dụng lãi suất ưu tiên đã được các ngân hàng này triển khai từ nhiều năm nay nhưng do điều kiện vay hết sức khắt khe nên số đối tượng được vay không nhiều, chẳng hạn sau gần 2 năm (11/2016 – 7/2018) triển khai cho vay gói 50.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,5 - 1,5%, đối với sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao của Agribank, dư nợ chỉ 5.000 tỷ đồng, đạt 10%.

Nợ xấu vẫn là bài toán khó

Khảo sát báo cáo tài chính quý III/2018 của hầu hết ngân hàng cho thấy tốc độ tăng nợ xấu cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu thời điểm 30/9/2018 so với 31/12/2017 của nhiều ngân hàng tăng nhanh, đứng đầu là NCB có tỷ lệ tăng 80,2%, OCB tăng 65,2%, VPBank tăng 51,6%, MBB tăng 45,1%, Vietbank tăng 44,4%, VietinBank tăng 34,8%, ACB tăng 33,1%, Techcombank tăng 32,7%,… Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại không ít ngân hàng tăng cao, chẳng hạn tại VietinBank 67%, VPBank 62%, ACB 61,7%, TPBank 45,7%,…

Nợ xấu vẫn còn là gánh nặng, lực cản hoạt động lành mạnh và hiệu quả của các ngân hàng. Ngoài nợ xấu có nguy cơ phát sinh trong năm 2019, hiện vẫn còn hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ gốc) vẫn đóng băng tại Công ty mua bán nợ các tổ chức tín dụng (VAMC), các ngân hàng chủ nợ vẫn tiếp tục gò lưng trích lập dự phòng; bên cạnh đó, các khoản nợ xấu nhóm 5 trước đó được cơ cấu lại nhưng vẫn không thu hồi được, sẽ quay về nợ xấu nhóm 5 là nguy cơ tăng nợ xấu trong năm 2019.

Áp lực tăng vốn

Theo Thông tư 41/2016/ TT – NHNN, từ 1/1/2020 các NHTM Việt Nam phải đáp ứng chuẩn mực về vốn của Basel 2. Như vậy, 2019 là năm đầy áp lực cho các ngân hàng trong việc tìm mọi cách để thực hiện cho được kế hoạch tăng vốn theo yêu cầu. Thực tế năm 2017 và 2018, trừ 4 ngân hàng trong diện cơ cấu lại, các ngân hàng khác đều có kế hoạch tăng vốn. Ngoài các ngân hàng thực hiện được toàn bộ hoặc cơ bản kế hoạch tăng vốn như: Techcombank, Vietcombank, BIDV, VPbank, MB, SHB, HDbank, SHB thì nhiều ngân hàng còn lại vẫn loay hoay chưa tăng được vốn hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Phương thức tăng vốn của hầu hết các NHCP tư nhân là trả cổ tức bằng cổ phiếu và trả thưởng bằng cổ phiếu, vì vậy bị giới hạn. Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư không khả thi, bởi giờ đây cổ phiếu ngân hàng không còn là tài sản đầu tư hấp dẫn.

Không chỉ nhóm NHCP tư nhân mà các NHCP nhà nước vẫn chật vật trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn. Khó khăn nhất là VietinBank, bởi tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài đã đầy room 30%. Do không tăng được vốn, cuối quý III/2018 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng này đã vi phạm giới hạn tối thiểu. Đây là hệ quả của việc buộc VietinBank phải giảm dư nợ 26.000 tỷ đồng trong quý IV/2018 để vực dậy tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Khó tăng vốn điều lệ, không những ngân hàng chưa đủ sức thực hiện lộ trình Basel 2, mà còn không tăng trưởng được lợi nhuận so với năm 2018.