Ngân hàng ngoại đổ bộ: Nỗi lo mất thị phần

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc nhiều ngân hàng trong nước bị sáp nhập, thì nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam.

Điều này dự báo một cuộc cạnh tranh khốc liệt về công nghệ, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng…

Tiềm năng hấp dẫn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện, Việt Nam đã có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động, gồm ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Public Bank Perhad Việt Nam, CIMB Bank Berhad Việt Nam và Woori bank Việt Nam (Hàn Quốc). Đó là chưa kể 1 ngân hàng khác cũng được NHNN chấp thuận về nguyên tắc, cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam Citibank (Mỹ). Từ con số 31 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (năm 2006) hoạt động tại Việt Nam, nay đã tăng lên trên 50, chưa kể 50 văn phòng đại diện và 6 ngân hàng liên doanh. Ngoài ra, còn có nhiều ngân hàng trong nước đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại. Các hoạt động đầu tư của các tổ chức quốc tế vào lĩnh vực ngân hàng diễn ra khá sôi động trong thời gian gần đây.

Khách hàng giao dịch tại VIB chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Việt Linh

Theo lộ trình hội nhập với hàng loạt hiệp định tự do thương mại và kinh tế có hiệu lực, các ngân hàng nước ngoài, nhất là các ngân hàng khu vực, sẽ tập trung nhiều hơn vào Việt Nam. Mặc dù theo giới chuyên gia trong ngành, sự tấn công của ngân hàng ngoại đã khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam cạnh tranh hơn, năng lực quản trị được cải thiện, số liệu minh bạch hơn, sản phẩm đa dạng hơn... nhưng cũng phải đối mặt với áp lực tái cơ cấu. Cụ thể giảm số lượng từ 33 ngân hàng (năm 2006) xuống còn 28 ngân hàng vào năm 2016. “Quy mô, chiến lược kinh doanh của các ngân hàng nước ngoài sẽ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng trong nước ngay trên thị trường nội địa” - NHNN nhận định về triển vọng cạnh tranh trong thời gian tới.

Tăng sức ép cạnh tranh

Áp lực phải cải tiến để có sức cạnh tranh sẽ càng đè nặng lên hệ thống ngân hàng nội nếu không muốn đánh mất thị phần… Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng liên doanh và nước ngoài ở Việt Nam là 33,36%, trong khi đó tỷ lệ này ở các NH thương mại Nhà nước và NHTM cổ phần lần lượt là 9,48% và 12,10%.

Do có mạng lưới hoạt động rộng rãi cùng nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế, các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam nhanh chóng mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ. Với quy mô hơn 90 triệu dân, thu nhập trung bình thấp, hoạt động ngân hàng bán lẻ được đánh giá là mảnh đất màu mỡ đối với ngân hàng ngoại. Chiến lược của họ là tập trung tăng cường chất lượng dịch vụ, phục vụ, đồng thời luôn cải tiến, phát triển mới sản phẩm để nâng cao trải nghiệm và tiện ích cho khách hàng. Và một lợi thế nữa nằm ở chính chất lượng dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài: Ví dụ, trong khi nhiều khách hàng đang lo lắng về khả năng bảo mật của các ngân hàng sau hàng loạt vụ tấn công mạng vào các tài khoản, thì mới đây, Citibank đã chính thức triển khai công nghệ bảo mật bằng giọng nói khi khách hàng gọi đến trung tâm dịch vụ. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên triển khai công nghệ bảo mật bằng sinh trắc học.

Đáng lưu ý, các ngân hàng nước ngoài này đều được NHNN cũng như Chính phủ “trải thảm” trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể là, những chính sách kêu gọi đầu tư vốn của các ngân hàng nước ngoài ở mảng xử lý nợ xấu; nâng cao các sản phẩm dịch vụ truyền thống của ngân hàng; tăng cường các nguồn thu về dịch vụ…

Chính bởi thế, các ngân hàng ngoại cũng dần thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Trước đây, ngân hàng ngoại chỉ tập trung vào các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nay họ đang tiếp cận rất sát các DN nội. Chưa kể, nhiều ngân hàng ngoại đang đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí như trước. Trong khi đó, cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng trong nước đa số chú trọng đến tăng trưởng tỷ lệ tín dụng, đi liền với đó là nợ xấu, việc tạo ra nguồn thu cho ngân hàng cũng không được bảo đảm thì việc đổ bộ của ngân hàng nước ngoài đã và đang góp phần nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch hóa thị trường.

Kinhtedothi - Trong lúc nhiều ngân hàng trong nước bị sáp nhập, thì nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam. 

Theo báo cáo của NHNN, tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua, và hiện đang ở mức hơn 826.000 tỷ đồng, vốn tự có hơn 127.000 tỷ đồng và vốn điều lệ hơn 103.000 tỷ đồng.