Ngân hàng Nhà nước: Sử dụng tiền ảo có thể bị truy trách nhiệm hình sự

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, các hành động trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thông tin liên quan đến việc sử dụng tiền ảo (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số - cryptocurrency) làm phương tiện thanh toán), thông cáo báo chí ngày 28/10 của NHNN cho biết:
Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán là Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
“Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”, NHNN nhấn mạnh.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Về chế tài xử lý vi phạm, NHNN cho biết, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trước đó, thông tin Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng đồng bitcoin, áp dụng đối với sinh viên nước ngoài đã gây nhiều tranh cãi. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bitcoin là đồng tiền được phép lưu thông, thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.

Chủ tịch Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng cho rằng: "Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Là một trường đại học đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần