Ngân hàng nội đang khát vốn ngoại

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không còn nhiều thời gian để các nhà băng chuẩn bị cho việc triển khai các quy định bắt buộc về quản trị rủi ro hiện đại, trong đó có các tiêu chuẩn như Basel II với các yêu cầu cao về năng lực vốn. Điều này lại làm dấy lên tranh luận về việc nên hay không nên nới room (tỷ lệ sở hữu tối đa) của nhà đầu tư nước ngoài cho ngành ngân hàng.

 Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Nới room ngân hàng, hiểu sao cho đúng?

Tại Diễn đàn DN Việt Nam diễn ra cuối tháng 6, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcharm) đặt ra vấn đề, Việt Nam không nên giới hạn tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) trong các ngân hàng và công ty Fintech tài chính là 30%, trong đó mức cao nhất dành cho các tổ chức là 20%. Theo lý giải của khối ngoại, đây là tỷ lệ thấp nhất áp dụng với các nhà băng tính trong khu vực.

Xét về tỷ lệ sở hữu, 30% hay thấp hơn là 20%, thực tế không có giá trị về mặt quản trị với các ngân hàng ngoại khi rót vốn vào ngân hàng Việt, bởi nó không cho phép các nhà băng ngoại có tiếng nói có trọng lượng trong các quyết định quan trọng của ngân hàng. Theo các quy định của pháp luật Việt Nam, tỷ lệ tối thiểu 36% mới cho phép các NĐT phủ quyết các vấn đề quan trọng của DN hay nói hẹp hơn là các ngân hàng.

Trên thực tế, khi các định chế tài chính tham gia bỏ vốn vào ngân hàng Việt, họ đều có thể cử đại diện tham gia hội đồng quản trị, chẳng hạn HSBC từng có đại diện trong HĐQT Techcombank, SG (Pháp) từng có ứng viên tham gia HĐQT SeaBank, hay đại diện Mizuho tham gia quản trị tại Vietcombank. Tuy nhiên, họ đều là các thành viên thiểu số nên lá phiếu không có quyền lực tại các ngân hàng.

Nói một cách thực tế, bỏ vốn vào các ngân hàng, phần lớn các định chế tài chính tham gia giống như các tổ chức đầu tư tài chính, mà ít có quyền can thiệp về quản trị, kỹ thuật… Bởi thế, khi Basel 3 được áp dụng trên thế giới, không cho phép tính phần vốn góp của các tổ chức tài chính quốc tế trong ngân hàng Việt được gộp chung một rổ vào việc tính hệ số an toàn vốn của ngân hàng, mà yêu cầu bóc tách ở từng thị trường, nhiều ngân hàng ngoại đã chọn cách thoái vốn tại ngân hàng Việt. Lãnh đạo Techcombank từng viện dẫn lý do này để giải thích cho việc HSBC chia tay với Techcombank vài năm trước đây.

Việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 40% thậm chí hơn được cộng đồng NĐT quốc tế cho rằng phù hợp với bối cảnh thị trường hội nhập quốc tế. Đặc biệt là Việt Nam, nơi có những ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động.

Cần sớm có hướng giải quyết

Trong bối cảnh các ngân hàng Việt buộc phải gia tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế, so sánh với các ngân hàng khu vực, việc nới room càng có ý nghĩa hơn. Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến đầu năm 2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống đứng ở mức 12%, trong đó khối NHTM Nhà nước chỉ đạt trung bình 9%. Đây thuộc nhóm thấp nhất nếu so sánh với các ngân hàng trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Phillipines... chứ chưa tính đến các định chế tài chính thuộc các nền kinh tế như Singapore, Hong Kong...

Nếu không có thêm nguồn vốn ngoại tham gia đầu tư, ngân hàng Việt chỉ quẩn quanh với nguồn vốn tăng thêm từ cổ tức không chia, phát hành trái phiếu, tăng vốn cho cổ đông hiện hữu (các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối rất khó thực hiện tăng vốn từ cổ đông hiện hữu vì Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thêm). Tuy nhiên, do ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt quan trọng nên trong giới chuyên gia cũng có những ý kiến tỏ ra e ngại nếu thực hiện nới room ngân hàng. Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, nhắc đến một số thương vụ M&A mà ở đó khi NĐT ngoại nắm quyền chi phối có thể ra những quyết định phục vụ lợi ích ngắn hạn của NĐT thay vì suy xét trên bức tranh lớn của cả ngành và nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, là ngành đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước mà ở đây là ngân hàng T.Ư cần có thêm nhiều công cụ mềm khác để quản trị và quản lý các ngân hàng. Do đó, đây không phải là vấn đề đáng quan ngại.

Thời gian để các ngân hàng Việt buộc phải thực thi được Basel II không còn nhiều (năm 2020). Chỉ có thực thi Basel II, các ngân hàng Việt mới nâng chuẩn của mình lên tầm quốc tế, tạo nền tảng tốt phục vụ khách hàng, tiếp cận với thị trường vốn quốc tế một cách dễ dàng, với chi phí thấp và tăng mức độ tin cậy của các định chế tài chính toàn cầu, các NĐT, tổ chức quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể dễ dàng đáp ứng. Để áp dụng Basel II, các ngân hàng phải có tầm nhìn chiến lược, mạnh tay đầu tư nhân lực, vật lực (công nghệ, chi phí vận hành, thay đổi cách làm, thay đổi hệ thống...) để chuẩn hóa về quản trị rủi ro theo đúng chuẩn quốc tế. Đơn cử như cùng chỉ số CAR, ngân hàng áp dụng Basel II phải có năng lực tài chính cao hơn ít nhất 20% so với ngân hàng chưa áp dụng.

Rõ ràng hội nhập đặt ra yêu cầu bắt buộc các định chế tài chính phải có tư duy cạnh tranh tầm khu vực, nếu không sẽ sớm tụt hậu. Bởi vậy, câu chuyện ngân hàng nội cần thêm các trợ lực ngoại một lần nữa lại là vấn đề cần sớm có chính sách giải quyết.