Ngân hàng ồ ạt lên sàn chứng khoán

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) trong 9 tháng qua, dự báo thời gian tới vẫn có lợi cho các ngân hàng niêm yết hoặc chuyển sàn. Nếu triển vọng kinh tế vĩ mô tốt hơn kỳ vọng, sẽ tạo làn gió mới cho nhóm cổ phiếu này.

 Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank. Ảnh: Tùng Lâm
Lên sàn, nâng cao thanh khoản cổ phiếu

Ngày 9/10/2020, hơn 389 triệu cổ phiếu mã NAB của Ngân hàng Thương mại CP Nam Á (Nam A Bank) đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM (sàn giao dịch công ty đại chúng) với giá chào sàn ngày đầu tiên ở mức 13.500 đồng/cổ phiếu. Nam A Bank là ngân hàng thứ 2 lên sàn trong năm 2020, sau Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã lên sàn hồi tháng 7 và tới đây có ngân hàng thứ 3 tiếp tục lên sàn là Saigonbank vào ngày 15/10.

Trong khi đó, trên sàn niêm yết, Ngân hàng Thương mại CP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán: LPB) cho biết, đã nộp hồ sơ lên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE). Nếu được chấp thuận, LienVietPostBank sẽ là ngân hàng niêm yết đầu tiên trong năm 2020, mở đường cho những cái tên tiếp theo đang xúc tiến lên sàn, chuyển sàn như: Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Phương Đông (OCB)...

Trước đó, cổ đông Ngân hàng SHB đã đồng thuận đưa cổ phiếu từ sàn HNX sang giao dịch trên HoSE, thời gian cụ thể giao HĐQT thực hiện. Hay cổ đông ACB cũng thông qua việc chuyển sàn từ HNX sang HoSE... Nhiều cổ đông của OCB đang chờ thời điểm ngân hàng chính thức lên sàn để có thể dễ dàng giao dịch, đầu tư cổ phiếu. Giá cổ phiếu OCB trong khoảng 2 tháng qua trên sàn OTC tăng khá mạnh từ khoảng 12.000 đồng lên 17.000 đồng/cổ phiếu.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Đồng thời giúp các ngân hàng tăng “đệm” thanh khoản, giúp ứng phó với rủi ro tốt hơn.

Chứng khoán thêm sôi động

Việc hàng loạt ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cho thấy, đây là một chuyển biến tích cực sau một thời gian thị trường ngưng trệ vì đại dịch Covid-19. Lãi suất thấp, dòng tiền rẻ đang đổ vào TTCK cũng khiến có thêm nhiều ngân hàng nộp hồ sơ niêm yết. Bên cạnh đó, từ 1/1/2021 khi Luật chứng khoán có hiệu lực, phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức. Như vậy dự kiến trong hơn 2 tháng còn lại của năm 2020, cổ phiếu nhiều ngân hàng sẽ liên tục đổ bộ TTCK.

Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, làn sóng này không chỉ tốt cho chính các ngân hàng mà sẽ tốt cho cả TTCK. Khi lên sàn sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng huy động vốn hơn, cũng như thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Các ngân hàng sẽ hưởng lợi từ việc các tổ chức quan tâm hơn. Cổ phiếu ngân hàng khi đó sẽ đủ điều kiện để cho các tổ chức mua vào, cũng như các tổ chức tính làm cổ đông chiến lược. Ngoài ra, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này. “Có nhiều lý do ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của ngân hàng, nhưng kỳ vọng tăng trưởng dựa vào tiềm lực thật sự của ngân hàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Một ngân hàng kinh doanh có hiệu quả, “sức khỏe” thật sự tốt, lợi nhuận tăng trưởng liên tục, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, sẽ luôn ẩn chứa nhiều cơ hội để cổ phiếu của ngân hàng đó tăng giá”- ông Tuấn chia sẻ.

Gần đây, cổ phiếu các ngân hàng tạo "sóng" khá mạnh. Giá hàng loạt cổ phiếu tăng cao gấp vài chục phần trăm như MBBank, Sacombank, VIB, SHB, LienVietPostBank... Giao dịch cũng sôi động, với thanh khoản như trường hợp LPB lên tới hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên, trị giá vài trăm tỷ đồng.
Tính đến nay, toàn thị trường có 10 ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE gồm các mã: BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB; 3 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX (ACB, SHB, NVB) và 8 ngân hàng đang giao dịch trên sàn UPCoM (BAB, KLB, LPB, VIB, VBB, BVB, SGB, NAB). ACB và SHB đã thông qua kế hoạch chuyển sàn sang HoSE; VIB, LPB niêm yết sàn HoSE cuối năm 2020; MSB, OCB đang trong quá trình hoàn tất kế hoạch niêm yết sàn HoSE.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần