Ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro rình rập

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến hết tháng 8/2019 đã có 9 ngân hàng thương mại mua vào hơn 11.000 tỷ đồng trái phiếu DN (TPDN), chiếm 9,6% lượng TPDN phát hành trong thời gian này.

Việc các ngân hàng ồ ạt mua vào TPDN, đặc biệt là các DN bất động sản (BĐS) đang bị cơ quan chức năng và giới chuyên gia phân tích cảnh báo và yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư này.
Rủi ro cao, ngân hàng vẫn “ôm” trái phiếu bất động sản
Báo cáo về thị trường TPDN Việt Nam của Bộ phận Phân tích khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, căn cứ trên công bố thông tin của các DN, có 9 ngân hàng thương mại mua vào 11.160 tỷ đồng, chiếm 9,6% lượng TPDN phát hành trong 8 tháng năm 2019. Trong đó, MB là đơn vị mua nhiều nhất 3.770 tỷ đồng, sau đó là PVCombank 1.900 tỷ đồng, Techcombank 1.510 tỷ đồng...
Theo số liệu trên bảng cân đối kế toán ngày 30/6 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, tổng số TPDN các ngân hàng nắm giữ là gần 230.500 tỷ đồng, tăng 65.000 tỷ đồng so với cuối 2018. Một số ngân hàng tăng cao như Sacombank, VietinBank, SHB, MB. Ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất vẫn là Techcombank với số dư là 60.663 tỷ đồng tại thời điểm 30/6.
Dù lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, MBB vẫn xuống tiền mua trọn nhiều lô trái phiếu DN bất động sản 

trị giá hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Nha Trang

Đặc biệt, với lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro là BĐS, hơn 20% TPDN BĐS phát hành đã được các ngân hàng dốc hầu bao mua vào. Cụ thể, trong số 36.876 tỷ đồng trái phiếu BĐS được phát hành, có hơn 7.400 tỷ đồng được mua vào bởi các ngân hàng thương mại. Trong số các nhà băng chi tiền mua trái phiếu BĐS thời gian qua, MBBank, Techcombank và PVCombank là 3 ngân hàng có giá trị mua lớn nhất, lần lượt đạt 1.710 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại như VPBank, MSB, SeABank, TPBank và OCB cũng đã mua hàng trăm tỷ đồng TPDN BĐS từ đầu năm.
BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cao nên lãi suất TPDN BĐS thuộc nhóm cao nhất. Lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả các TPDN BĐS phát hành 8 tháng năm 2019 là hơn 10%/năm.
Tuy nhiên, nhiều lô trái phiếu BĐS được chào bán với lãi suất cao hơn như 200 tỷ đồng phát hành ngày 8/4/2019 của Công ty CP BĐS Phát Đạt được chào bán với mức lãi suất lên đến 14,45%. DN này có 6 đợt phát hành thì có 4 đợt lãi suất ở mức cao nhất thị trường, hai lô còn lại lãi sất thấp hơn thì đều được ngân hàng ôm trọn gói. Cụ thể, MBB mua trọn lô 550 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, phát hành ngày 3/6/2019; OCB mua trọn lô 225 tỷ đồng kỳ hạn một năm, phát hành ngày 1/8/2019.
Các ngân hàng đang mua chéo trái phiếu của nhau?
Qua giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hoạt động đầu tư TPDN của một số ngân hàng thương mại trong nước đang tiềm ẩn rủi ro khi các ngân hàng này có số dư TPDN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Đáng chú ý, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, BĐS lớn khi thị trường BĐS chưa hồi phục vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng với đó là hoạt động đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; hoặc tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua TPDN, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát rủi ro liên quan đến hoạt động mua TPDN, đặc biệt là các DN BĐS. Các ngân hàng không được mua TPDN, trong đó có mục đích để cơ cấu lại khoản nợ của DN phát hành.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS để hạn chế rủi ro… NHNN cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu DN.
Ngoài ra, các chuyên gia SSI cũng đặt ra vấn đề về việc có hay không các ngân hàng đang mua chéo trái phiếu của nhau. Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, trong 6 tháng, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tăng thêm tới 56.400 tỷ đồng, con số khá tương đồng với lượng trái phiếu các ngân hàng thương mại đã phát hành.
Với mức lãi suất trung bình chỉ 6,72%/năm, tức là chỉ tương đương lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn, nhóm có lãi suất huy động thấp nhất, trái phiếu của các ngân hàng thương mại hầu hết không hấp dẫn với các nhà đầu tư thông thường.
Thêm vào đó, đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán nên rất có thể các ngân hàng thương mại đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN.

"Thực tế, so với cho vay, việc mua TPDN sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn vì các ngân hàng thương mại có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ TPDN, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác”. - Báo cáo về thị trường TPDN của Công ty Chứng khoán SSI