Ngân hàng rốt ráo xử lý nợ xấu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu. Trong đó, nợ xấu - trọng tâm quan trọng của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được ngành quan tâm và rốt ráo xử lý.

Hoạt động nghiệp vụ tại AgriBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Đã xử lý trên 40% nợ xấu
Theo NHNN, đến ngày 31/1/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng).
Năm 2019 toàn ngành ngân hàng sẽ triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%. 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) là một phương thức xử lý nợ của các ngân hàng nhằm đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán và có thêm đối tác hỗ trợ xử lý các khoản nợ "khó nhằn". Tuy nhiên, để xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC, các ngân hàng phải sớm trích lập dự phòng đầy đủ, phải mua lại nợ xấu từ VAMC bằng chính trái phiếu mà VAMC phát hành.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xóa sạch nợ tại VAMC vào cuối năm 2016, chỉ sau hai năm tập trung kế hoạch xử lý nợ, sớm trước 3 năm so với lộ trình 2020 mà Quốc hội, Chính phủ chủ trương. Sau Vietcombank, tính đến 31/12/2018, nhóm 5 ngân hàng "sạch nợ" tại VAMC có sự góp mặt của Techcombank, MBBank, OCB và VIB. Một số ngân hàng "ngấp nghé" vào danh sách này như ACB, Nam A Bank.

Trong một phát biểu gần đây, lãnh đạo Agribank cho biết, với tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro gần 20.000 tỷ đồng, Agribank có đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019. Kết thúc năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Agribank này chỉ ở mức 1,51%, giảm tới 4,29% so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu. Riêng năm 2018, ngân hàng đã thu hồi nợ sau xử lý rủi ro và nợ đã bán VAMC lên tới 11.936 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao.

Giảm áp lực dự phòng rủi ro

Mới đây, NHNN đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó, tất cả các ngân hàng đang còn số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt. Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đều ý thức được do đang trong quá trình tái cơ cấu và đẩy mạnh xử lý nợ xấu, lợi nhuận thu về chủ yếu để trích lập dự phòng nên không ít ngân hàng vẫn nói “không” với việc chia cổ tức cho cổ đông, tiếp tục tích lũy của để dành cho các năm sau.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn (SCB) Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, mục tiêu của SCB trong năm nay là tiếp tục xử lý khoản nợ xấu như năm trước (hơn 4.000 tỷ đồng). Đáng chú ý, quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã tăng lên trên 8.000 tỷ đồng. Đây được xem là phần tích lũy của SCB trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu những năm qua.

Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh, ngân hàng đã mạnh tay tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm gần 2 lần, lên 1.592 tỷ đồng năm 2018. Tổng số nợ xấu nội bảng Sacombank đến cuối năm 2018 đã giảm gần một nửa so với hồi đầu năm, xuống còn 5.427 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh từ 4,67% xuống còn 2,11%, song vẫn còn cao so với nhiều ngân hàng khác. Vì thế, Sacombank tiếp tục tăng dự phòng rủi ro.

VPBank cho biết, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông mới đây về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, 86% tổng số phiếu biểu quyết đã tán thành toàn bộ số tiền 3.431 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối năm 2018, sau khi trích quỹ, sẽ được giữ lại để bổ sung vốn hoạt động. Trong khi đó, các ngân hàng, HDBank, TPBank, VietBank... đều cho biết sẽ chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Mua lại nợ xấu đã bán sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc hội từ tháng 7/2017, trong đó cho các TCTD quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không có sự hợp tác của con nợ là một giải pháp quan trọng. Ngoài ra, với các khoản nợ đã bán cho VAMC chủ yếu đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, trong tình hình thị trường bất động sản đang tiếp tục phục hồi tốt sẽ càng giúp các ngân hàng có thể tự mình xử lý nhanh hơn.

Việc mua lại nợ xấu từ VAMC không chỉ giúp các ngân hàng giảm được áp lực dự phòng rủi ro những năm kế tiếp, mà còn có cơ hội hoàn nhập dự phòng đối với các khoản đã trích trước đó khi thu hồi nợ xấu thành công, nhất là trước áp lực tăng vốn đáp ứng các chuẩn mực của Basel II sắp tới.