Ngân hàng và nỗi lo rủi ro đạo đức

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc một khách hàng VIP bị rút mất 245 tỷ đồng khi gửi tiền tại Eximbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh gần một năm nay vẫn đang ồn ào dư luận.

Trước đó, những vụ việc liên quan tới số tiền vài chục, vài tỷ đồng của khách gửi tại ngân hàng tự dưng bị “bốc hơi” khiến nhiều người tự hỏi, giao dịch với ngân hàng sẽ lấy gì để đảm bảo cho sự an toàn tài sản của mình?
Bài 1: Những món tiền lớn “không cánh mà bay”
Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ tiết kiệm với những khoản lên lớn từ hàng tỷ lên tới hàng chục tỷ đồng đã xảy ra trong thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông về an ninh, an toàn của hệ thống ngân hàng.
Tiền trong tài khoản bị người khác rút mất
Trước vụ mất tiền tại Eximbank gây rúng động, không ít khách hàng cũng gặp tình trạng tiền tiết kiệm trong ngân hàng bất ngờ "bốc hơi". Tháng 2/2015, một khách hàng bị cán bộ phòng giao dịch cấp huyện của một ngân hàng lớn tại Phú Thọ lừa 400.000 USD thông qua việc nhận gửi tiền tại nhà và bỏ ngoài tài khoản ngân hàng.
 Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh EximBank.  Ảnh: Việt Dũng
Ngay tại Eximbank, vào tháng 9/2016, 6 khách hàng VIP bị rút ruột tài khoản hơn 50 tỷ đồng mà không biết. Trong vụ việc này, thủ phạm chính là Nguyễn Thị Lam - cán bộ kiểm ngân Phòng giao dịch Đô Lương thuộc Chi nhánh Eximbank TP Vinh, Nghệ An. Rồi vụ hàng chục sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng “bốc hơi” tại Ngân hàng Oceanbank chi nhánh Hải Phòng cũng để lại dư âm xấu...

Không chỉ mất tiền trong sổ tiết kiệm, song song đó còn xảy ra nhiều trường hợp khách hàng tố mất tiền trong thẻ tín dụng như chủ thẻ ở ANZ, DongABank, VIB, thậm chí có trường hợp như tại VCB xảy ra liên tiếp vụ mất tiền trong tài khoản thẻ.

Tranh chấp chữ ký khống

Các vụ mất tiền trong ngân hàng có nhiều nguyên nhân: Do cán bộ ngân hàng lừa đảo; khách chủ quan, ký khống giấy tờ; khách không tự trực tiếp thực hiện giao dịch tại ngân hàng mà nhờ cán bộ ngân hàng làm; bị hack tài khoản điện tử…

Thực tế khi sự việc xảy ra, đa phần các ngân hàng đều đưa ra cơ quan pháp luật, phải chờ kết luận mới có thể thông tin được. Các vụ mất 26 tỷ đồng trong tài khoản VPBank hay vụ 43,5 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm VietABank (chi nhánh An Giang) "biến mất"… chủ sổ vẫn đang đi kiện khắp nơi.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ:“Đúng là có cơ chế riêng cho khách VIP nhưng dù thế nào, tôi khuyên khách hàng đừng bỏ qua những nguyên tắc trong giao dịch gửi hay rút tiền, bởi đồng tiền đi liền khúc ruột. Đặc biệt không ký khống bất cứ giấy tờ gì”.

Ngay như vụ Eximbank, bà Chu Thị Bình - người bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm cho biết, bà chưa ký biên bản thỏa thuận với Eximbank để nhận khoản tạm ứng hơn 14,8 tỷ đồng vì chưa thống nhất thỏa thuận. Trong khi đó, Eximbank cho biết, ngân hàng này chỉ tạm ứng cho bà hơn 14,8 tỷ đồng, là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả. Còn những khoản khác sẽ chờ ra tòa. Vụ việc vẫn chưa có tiến triển mới.

Trước đó, vụ mất 4 tỷ đồng tại một ngân hàng, cả nhà băng lẫn khách hàng đều đưa ra những ý kiến trái chiều. Đại diện ngân hàng khẳng định họ làm đúng, “vị khách kia đã ủy nhiệm chi cho người khác, nếu chứng minh được rằng chữ ký ủy nhiệm chi là giả thì sẽ hoàn tiền trả khách hàng”. Trong khi đó khách hàng lại không nhận mình là khách VIP và cho rằng ngân hàng đã làm sai quy trình nên phải hoàn trả lại tiền cho bà.

Không chỉ dừng ở việc gửi tiền, ở các nghiệp vụ khác, tình trạng đổ lỗi và thoái thác trách nhiệm cũng có vẻ khá phổ biến. Người viết bài từng chứng kiến vụ việc 2 tổ chức tài chính gây ồn ào trước công luận khi bên công ty tài chính cáo buộc ngân hàng không sòng phẳng trong nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho khoản trái phiếu vài trăm tỷ đồng. Bên ngân hàng lại cho rằng cán bộ lãnh đạo chi nhánh có hành vi sai phạm, đã gây ra lỗi và cán bộ đó phải chịu trách nhiệm cho khoản tiền trên chứ không phải ngân hàng. 

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần