Ngân hàng Việt hấp dẫn vốn ngoại

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài rót vốn vào các ngân hàng (NH) Việt Nam đã dần khởi sắc trở lại. Chính phủ và NH Nhà nước (NHNN) đang rất khuyến khích các NĐT trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu, mua lại ngân hàng yếu kém. Đây chính là cơ hội tốt để các ngân hàng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

 Khách quốc tế rút tiền từ cây ATM Ngân hàng Bảo Việt. Ảnh: Phạm Hùng
Thị trường sôi động hơn
Cuối tuần qua, nhiều trang tin điện tử tại Việt Nam đã dẫn nguồn tin từ trang BusinessKorea (Hàn Quốc) cho biết, Tập đoàn tài chính KEB Hana đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của BIDV. Hợp đồng này gần như đã được chốt khi bước cuối cùng của quá trình đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận. Theo đó, BIDV sẽ phát hành cổ phiếu mới để bán cho KEB Hana Bank, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn tài chính KEB Hana.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho NĐT nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) vẫn là một trong những NĐT tiềm năng và đối tác hiện hữu Mizuho (Nhật Bản) đang sở hữu 15% cổ phần của Vietcombank sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ này ở Vietcombank.

Không chỉ BIDV, Vietcombank, nhiều NH khác cũng tìm cách bán cổ phần cho NĐT nước ngoài. Như VPBank đã bán 23% cổ phần cho 100 NĐT nước ngoài trong năm 2017, LienVietPostBank hiện khóa room cho khối ngoại ở mức 5% để thực hiện bán cổ phần cho NĐT chiến lược. HDBank lên kế hoạch chào bán cổ phần cho NĐT nước ngoài khoảng 20% vốn điều lệ.
Trong khi Techcombank cũng vừa công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai NĐT pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus – Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân (private equity) hàng đầu thế giới. “Khoản đầu tư từ các NĐT mới là một phần trong nỗ lực tăng vốn từ nay đến tháng 6/2018 của Techcombank theo đúng kế hoạch đã được Đại hội cổ đông phê duyệt hôm 3/3/2018” - đại diện Techcombank chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia, xu hướng NĐT nước ngoài chú ý tới các NH Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh bởi hệ thống NH Việt đang ngày càng vận hành tốt hơn từ những bước đi quyết liệt trong xử lý nợ xấu, các quy định chặt chẽ về sở hữu chéo, sắp tới là triển khai áp dụng Basel 2…

Cần nắm cơ hội

Theo phân tích của công ty định mức tín nhiệm S&P, sức hút của NH Việt Nam với NĐT ngoại ở cơ hội tiếp cận tới dân số hơn 90 triệu người. Đặc biệt, phần lớn thị trường đến nay vẫn chưa được khai thác, khi chỉ 30% dân số có tài khoản NH và tầng lớp có thu nhập trung bình, cao đang gia tăng. Ông Jeffrey Perlman - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus khẳng định Việt Nam là một trong những nước có thị trường NH tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, đồng thời cam kết lâu dài và sự tin tưởng vững chắc với những triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Giải pháp cho nguồn vốn ngoại tham gia tái cơ cấu NH đã được khuyến khích từ lâu, tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất khi bán lại cho NĐT nước ngoài là giá bán các ngân hàng này sẽ là bao nhiêu và NHNN tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ hay ưu đãi nào để thu hút các NĐT chiến lược hay không?

Theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, hiện giới hạn sở hữu cao nhất mà các tổ chức nước ngoài có thể nắm giữ tại một NH Việt là 30% và mức cổ phần cao nhất một NH nước ngoài có thể mua để trở thành một NĐT chiến lược là 20% chưa đủ để NH nước ngoài có thể chạm tay vào các quyết định điều hành của NH trong nước. Ngoài việc nới room cho khối ngoại để tăng sức hấp dẫn, HSBC cũng khuyến nghị phải linh hoạt hơn về giá, rút ngắn thời gian xin phép, phê duyệt, kiểm tra để các bên sớm đi đến thỏa thuận hợp tác...

Theo TS Lê Xuân Nghĩa -chuyên gia tài chính NH, NĐTNN kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để bảo đảm vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, thông lệ quốc tế cũng như tính minh bạch - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quản trị và giám sát. Theo ông Nghĩa, có thể quy định room cho NĐT nước ngoài với các mức như: Cho phép được sở hữu 30% đối với NHTM khá, 51% đối với NH trung bình và thậm chí 100% đối với những NH yếu kém thực sự.
Thời điểm này đang có nhiều thuận lợi khi thị trường chứng khoán năm nay tăng trưởng theo xu hướng tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu NH. Nới room cho khối ngoại sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của ngành NH Việt Nam. Đồng thời việc củng cố hệ thống NH cũng giúp Việt Nam nâng hạng tín nhiệm quốc gia, qua đó, tăng sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại vào nhiều lĩnh vực.

Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải