Tiết kiệm online được cộng lãi suất, giảm phí
Ngoài các ưu đãi về lãi suất và phí, nhiều ngân hàng yêu cầu nhân viên đẩy mạnh giới thiệu hoạt động giao dịch online đến khách hàng. Khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch trực tuyến nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh...
Điển hình như tại VietinBank, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên kênh Vietin iPay, ứng dụng Vietinbank iPay hoặc Vietinbank ATM (có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên) sẽ được cộng thêm lãi suất lên đến 0,3%/năm (mức cộng thêm áp dụng tùy thời điểm và từng kỳ hạn khác nhau) so với trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND thông thường tại quầy. Điều đặc biệt, khách hàng có thể chủ động gửi hoặc tất toán tài khoản 24/7 bất kỳ thời gian nào, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Đồng thời, có thể linh hoạt lựa chọn phương thức đáo hạn như tự động tái đáo hạn hoặc tất toán về tài khoản thanh toán khi hết kỳ hạn.
Theo tính toán của các tổ chức ngân hàng, trong kịch bản cơ sở, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong quý I, dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN và hộ gia đình bị suy giảm… Qua đây, các hoạt động, giao dịch tài chính - ngân hàng giảm khoảng 1% và khiến GDP giảm 0,05 điểm phần trăm. Từ quý II đến cuối năm, các tác động từ dịch Covid-19 với lĩnh vực này sẽ tăng dần do có độ trễ, khiến GDP giảm 0,08 điểm phần trăm trong quý II và GDP giảm 0,11 điểm phần trăm cả năm. Trong kịch bản tích cực, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm quý I và quý II giảm nhẹ 1%, cả năm giảm 0,5%. Trong kịch bản tiêu cực, nhóm này sẽ giảm nhẹ 1% và 1,5% trong 2 quý đầu tiên, và giảm 0,5% so với đầu năm. |
Nhằm tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan virus nCoV, BIDV đã thông báo, cộng thêm lãi suất từ 0,2 - 0,5% cho các khoản tiền gửi trực tuyến. Đồng thời, từ ngày 25/2, BIDV giảm 70% phí chuyển tiền ngoài hệ thống trên các kênh online (bao gồm BIDV Online, BIDV SmartBanking, Bankplus, ATM) cho các giao dịch có giá trị ≤ 500.000 đồng. “Đây là một hành động thiết thực của BIDV trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến khó lường” - lãnh đạo BIDV cho biết.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng tung ra các chương trình ưu đãi về phí như SHB, MSB, Eximbank, Kienlongbank, TPBank... Nam A Bank đã yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng Hàng hải có chương trình ưu đãi hấp dẫn tặng một chai nước rửa tay khô cho khách hàng thực hiện một trong các giao dịch, mở mới hoặc kích hoạt lại Internet Banking/Mobile Banking và phát sinh một giao dịch chủ động trên Internet Banking/Mobile Banking trong thời gian từ ngày 21/2 – 21/3.
Ngăn chặn nợ xấu tăng
Sự chủ động vào cuộc của các ngân hàng sẽ tạo ra những giá trị trong cuộc chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chiến lược dài hơi hơn, đó là cuộc chinh phục nhằm tạo thói quen mới cho người dân giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng chủ trương của Chính phủ. Mặc dù vậy, các nhà phân tích lĩnh vực ngân hàng cho rằng, cầu tín dụng sẽ giảm trong quý I và có thể kéo sang quý II/2020, do tình hình sản xuất, kinh doanh của DN chậm lại trong bối cảnh dịch bệnh.
Chia sẻ về tình hình cho vay hiện nay, cán bộ tín dụng một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay tại chi nhánh hầu như không tăng, ngược lại còn có xu hướng giảm do một số hợp đồng tín dụng đến kỳ tất toán. Trong khi đó, cầu vay mới không nhiều. Đặc biệt là với các DN sản xuất ở ngành hàng dệt may, da giày xuất khẩu và thủy sản đang có khó khăn nhất định.
Trong khi tín dụng được đánh giá sẽ sụt giảm trong nửa đầu năm 2020, thì nợ xấu của ngân hàng được dự báo khó tránh được gia tăng, do tác động bởi dịch bệnh. Các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch không thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và người chịu tác động sẽ là ngân hàng. Lãnh đạo các ngân hàng dự báo, số khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do Covid-19 sẽ không nhỏ, tác động đến dòng tiền trả nợ ngân hàng.
Theo ước tính của VPBank, tổng số khách hàng bị tác động trong đợt dịch bệnh này lên tới gần 1.000 DN và sẽ gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Agribank cho hay, dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng tại Trung Quốc khiến xuất khẩu nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%, nên nguy cơ nợ xấu tăng lên rất lớn.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Một cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết, hoạt động cho vay của chi nhánh đang thực hiện theo nguyên tắc “vừa hỗ trợ, vừa hạn chế”. Hỗ trợ vốn giá rẻ, giảm phí dịch vụ cho phân khúc khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhằm chia sẻ khó khăn, nhưng sẽ hạn chế ở khách hàng mới, theo hướng nâng khẩu vị rủi ro khi đánh giá hồ sơ vay vốn để giảm rủi ro nợ xấu, chấp nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn trong ngắn hạn.