Ngăn hiểm họa treo trên đầu

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bốn ngày kể từ thời điểm xảy ra sự cố thanh sắt công trình xây dựng rơi xuống đường khiến một phụ nữ tử nạn, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Bàng hoàng vì các dự án cao ốc “ba thiếu” có dấu hiệu bám rễ trên nhiều trục đường lớn.

 Ảnh minh họa
Đó là sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, thiếu giám sát, quản lý từ cấp chính quyền và thiếu chuyên môn trong chất lượng thợ xây dựng. Điều ấy có nguy cơ làm “dày” thêm những nỗi đau mang tên an toàn lao động.
Giống như các công trình cao tầng chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy được công khai trên phương tiện truyền thông, những dự án “khuyết” an toàn lao động cũng cần được minh bạch. Nếu chủ đầu tư, nhà thầu không ngại về phạt tài chính, cấp chính quyền phải “đánh” trực diện vào uy tín, sự lo lắng về thương hiệu của nhóm đối tượng này với khách hàng. Quy trình an toàn lao động xây dựng tại các đô thị lớn trong nước thực chất đã quá bê trễ về cả lượng và chất. Để thiết lập lại sự chuẩn mực cần đó, rõ ràng không thể kỳ vọng vào ý thức của DN, chủ đầu tư xây dựng.
Thực tế, cũng như nhiều ngành nghề khác, bên cạnh yêu cầu lao động phải có tay nghề, ngành xây dựng cũng có những đòi hỏi khắt khe về an toàn lao động, song hiện nay, nhiều nhà thầu chính cho thầu phụ vào làm việc mà không kiểm soát nghiêm túc những yêu cầu này. Hồ sơ thầu thường viết rất đẹp, sử dụng thiết bị hiện đại, song thực tế ra công trường phần lớn lại là thiết bị cũ. Hồ sơ khai nhóm thợ xây dựng bậc 6, bậc 7 nhưng tại công trường toàn người "đội nón, đi dép lê", thực chất là lao động nông nhàn.
Với đặc thù thi công trong nội đô, không thể cấm người dân tham gia giao thông nên nhà thầu phải quan tâm đến bối cảnh giao thông đô thị khi lập phương án tổ chức thi công. Đáng chú ý, với các công việc cẩu lắp, vận chuyển… cần thực hiện tại thời điểm mật độ giao thông thấp nhất. Biện pháp thi công công trình xây dựng trong đô thị khác với việc thi công công trình ngoài đô thị, trên quốc lộ và chi phí phải lớn hơn. Nhiều nhà thầu vô tư không tuân thủ quy định xây dựng mà làm việc như một thói quen, đưa tác phong thi công từ công trường vắng vẻ vào khu vực trung tâm TP đông đúc. Sự cố xảy ra tại các công trường vắng có thể hậu quả không lớn nhưng rơi một thanh sắt giữa phố đông lại là một câu chuyện rất khác.
Cùng với quá trình đô thị hóa, đã và đang có nhiều công trình xây dựng được triển khai. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những đòi hỏi về bảo đảm an toàn cho công trình và tính mạng con người là đòi hỏi bức thiết mà các đơn vị tham gia xây dựng, cấp chính quyền phải tự xem xét lại chính mình. Một câu nói vẫn đeo đẳng những người làm nghề xây dựng đó là “chất lượng được sinh ra từ phòng giám đốc và cũng chết ngay từ phòng giám đốc”.
Dòng khẩu hiệu thức tỉnh lương tri đó nếu được tự giác hóa, sẽ có ít, thật ít đi những tiếng khóc nức nở của những người mẹ, người vợ, những đứa con bỗng mất đi người thân từ một buổi chiều tan làm muộn… Vậy nên, để ngăn hiểm họa treo lơ lửng trên đầu người dân, tất cả hãy thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm của mình một cách cao nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần