Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn mối hiểm họa động đất: Sớm phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh nhưng Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất liên tiếp xảy ra thời gian qua tại khu vực Tây Bắc khiến người dân nhiều địa phương lo lắng.

356 trận động đất trong 10 năm
Trong hai ngày 27 – 28/7, tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã xảy ra liên tiếp 7 vụ động đất và dư chấn động đất, với cường độ mạnh dao động từ 2,6 - 5,3 độ richter. Trong đó, vụ động đất vào trưa 27/7 được xem là mạnh nhất trong nhiều năm qua đã khiến 127 nhà dân và nhiều công trình khác (trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở UBND nhiều xã) bị hư hỏng. Trước đó, khu vực Tây Bắc cũng đã ghi nhận nhiều vụ động đất trung bình.
Có thể kể tới là trận động đất mạnh 5,4 độ richter tại huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) vào tháng 11/2019. Hay mới đây hơn là trận động đất mạnh 4,9 độ richter tại huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) vào tháng 6/2020.
 Động đất làm hư hỏng một nhà dân tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Thống kê trong 10 năm qua, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận đến 356 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam hoặc có ảnh hưởng tới Việt Nam, với độ lớn dao động trong khoảng 2,5 - 6,1 độ richter. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 19 trận động đất và dư chấn động đất, chủ yếu được ghi nhận tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Không thể xem nhẹ hiểm họa động đất
Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu, so với các loại hình thiên tai khác như lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… thiệt hại do động đất nhìn chung nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, sẽ là sai lầm nếu xem nhẹ hiểm họa động đất. “Khu vực các tỉnh Tây Bắc như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hoàn toàn có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8 – 9 trong tương lai” – TS Nguyễn Xuân Anh cảnh báo.
Để chủ động phòng chống, giảm nhẹ hậu quả động đất, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài cho rằng, các địa phương, nhất là tại khu vực miền núi Tây Bắc cần tập trung nhiều hơn cho công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để kịp thời khắc phục hậu quả của động đất có thể xảy ra.
Theo Viện Vật lý địa cầu, hiện nay, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn duy trì 40 đài, trạm địa chấn, theo dõi liên tục khả năng ảnh hưởng của hai loại hình thiên tai đối với Việt Nam. Tuy nhiên về lâu dài, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng, cần sớm triển khai dự án phân vùng rủi ro thiên tai đối với động đất, sóng thần theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.
Thực tế thời gian qua, các bộ ngành đã vào cuộc rốt ráo triển khai quyết định trên, tuy nhiên, việc phân vùng mới tập trung cho các loại hình thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Việc sớm hoàn thành phân vùng rủi ro và lập bản đồ cảnh báo động đất sẽ là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, từ đó giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra của loại hình thiên tai này.

Sẽ thuê chuyên gia đánh giá nguy cơ động đất ảnh hưởng đến hồ chứa

Trước diễn biến phức tạp của động đất tại tỉnh Sơn La, ngày 29/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan bàn giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa. Tại cuộc họp, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất xảy ra tại Mộc Châu (Sơn La) ngày 27/7 là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực này. Tuy nhiên, trận động đất vừa qua có cường độ lớn 5,3 độ richter hoàn toàn nằm trong dự báo.

Kết quả rà soát của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình có khoảng 560 hồ chứa. Tình hình chứa nước về cơ bản vẫn đang ở mức thấp. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải cho biết, ngay sau khi động đất xảy ra, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình thủy điện trên địa bàn. Kết quả đến nay là vẫn bảo đảm an toàn. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết thêm, thời gian tới, Tập đoàn sẽ thuê các chuyên gia chuyên ngành để có đánh giá kỹ hơn, nhằm có giải pháp chủ động phòng chống nguy cơ động đất trong tương lai.