Ngăn sớm những điều đáng tiếc

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một người mẹ kể rằng, con gái chị mới 15 tuổi yêu một người đàn ông gấp đôi tuổi cháu đã có vợ, nhưng cô bé cứ một mực tin rằng đó là người đàn ông tốt nhất trên đời, chẳng qua vì hoàn cảnh lấy phải người vợ không ra gì nên bất hạnh và anh ta không nỡ bỏ vợ con cũng chỉ vì “quá nhân đạo”.

Cô gái hồn nhiên nói với chị, “anh ấy bảo, đợi đến khi con cái lớn lên một chút, anh ta sẽ ly hôn để lấy con”. Lời lẽ và thái độ của cô bé làm chị không còn tin vào tai và mắt mình nữa. Chị cũng không biết từ bao giờ, đứa con gái bé bỏng của mình đã thành đàn bà.

 Ảnh minh họa

Đó chỉ là một trong số ít các trường hợp “yêu sớm” của trẻ bây giờ. Nhưng câu chuyện ấy buồn nhiều hơn là vui và người bị sốc luôn là những ông bố bà mẹ. Có người sau mọi chuyện xảy ra mới ân hận vì đã không gần gũi con hơn, để trẻ sớm rơi vào những chuyện lỡ làng đáng tiếc. Còn có người đã “giáo dục” con bằng cách nhốt lại hay đòn roi. Có ông bố gầm lên khi biết con yêu sớm rồi đánh con nát cả cái roi. Có bà mẹ ép buộc con gái phải dẫn mình đến nhà người yêu để “chửi cho cả nhà thằng khốn nạn một trận”... Nhưng rồi hậu quả để lại chỉ là con cái họ khủng hoảng hơn mà thôi.

Có muôn vàn lý do để những đứa trẻ mới lớn này đưa ra để “biện minh” cho những việc làm đã lỡ của mình. Một điều đáng nói là, với trẻ em thành thị, dậy thì thường xảy ra sớm, rồi bắt nguồn từ sự tò mò trẻ con, từ thôi thúc của bản năng khi có tác động ngoại cảnh, phim ảnh và biểu hiện thì muôn hình vạn trạng. Rồi bị ép chứ không đồng ý, cả hai đều yêu nhau không kiềm chế được, bạn van xin phải chứng minh tình yêu, gặp chuyện buồn trong gia đình không vượt qua được.... Chuyện gán ghép nhau rồi trở thành chuyện yêu như thật trong các em tuổi 14-15 là “chuyện thường ngày”.

Nhiều người cho rằng, quan hệ lỏng lẻo giữa cha mẹ và con cái đôi khi đưa các em vào mối quan hệ yêu đương sớm. Cùng với đó, trong khi nhiều bậc cha mẹ vẫn tồn tại những suy nghĩ, phong kiến như trao đổi, cung cấp cho trẻ những kiến thức về giới tính là "vẽ đường cho hươu chạy". Vì thế họ không bao giờ trao đổi với con về điều này. Một phụ huynh tâm sự: "Tôi cũng thấy trao đổi với con cái về vấn đề đó là rất cần thiết nhưng tôi thấy ngại lắm, chuyện tế nhị mà. Ngày xưa bố mẹ tôi cũng có nói với tôi về chuyện đó đâu. Thôi thì kệ, đâu sẽ có đó, đến tuổi thì chúng tự biết hết ấy mà". Nhưng do bố mẹ không quan tâm hoặc ngại trao đổi, nên khiến con cái mất "khả năng đề kháng". Khi rơi vào những hoàn cảnh khó nói, trẻ chỉ biết làm theo bản năng.

Thực tế ở trường phổ thông những buổi nói chuyện về giới tính cho trẻ thời gian lại không nhiều, mà những thắc mắc của các em lại rất nhiều nên rất khó nói cặn kẽ cho các em hiểu hết mọi vấn đề. Chính vì thế, chỉ có bố mẹ mới là người nên kịp thời lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của trẻ bằng việc làm và hành động phù hợp. Cân bằng tình cảm trong gia đình để có điều kiện nắm bắt diễn biến tâm lý của con. Chỉ với sự cởi mở với con hơn về vấn dề này, mới tránh được những vấn đề đáng tiếc xảy ra.