Ngăn tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Quy hoạch đang được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Dù vẫn còn nhiều điều cần góp ý, nhiều khoản cần chỉnh sửa, nhưng đây có thể nói là một văn bản pháp lý được chờ đợi. Hy vọng có thể giải trước thực trạng địa phương, người dân khổ vì quy hoạch “treo”, cả nền kinh tế cũng khổ vì có quá nhiều quy hoạch, lại chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, gây lãng phí nguồn lực….
 Ảnh minh họa
Một con số thống kê của Bộ KH & ĐT đưa ra khiến không ít người giật mình. Trong 3 năm 2011 - 2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập về phê duyệt, gần nhất năm 2015, mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt. Đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011 - 2020 được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch. Đó là con số quá lớn và đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng. Sẽ “đáng đồng tiền, bát gạo”, nếu những quy hoạch được lập là hợp lý và hiệu quả. Nhưng sau rà soát, sự thật có quá nhiều quy hoạch được lập mà chẳng để làm gì, không rõ nội dung, cũng không phục vụ công tác quản lý, nhất là các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, gây lãng phí nguồn lực.
Căn nguyên đã được các ĐB Quốc hội phân tích rất nhiều, từ tình trạng các cấp, bộ, tỉnh và ngành dọc nào cũng xây dựng quy hoạch. Nhưng mạnh ai nấy làm, dẫn đến chồng chéo, trái ngược nhau. Ngành cứ quy hoạch ngành, tỉnh cứ làm quy hoạch tỉnh. Lâu nay có nhiều chuyện như tỉnh nào cũng bia, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, rồi trong nông nghiệp có chuyện dứa, chuyện mía đường…, rất lãng phí nguồn lực. Chính Bộ KH&ĐT khi đánh giá tác động của Dự Luật cũng thẳng thắn thưa nhận: Quy hoạch đang bị chi phối bởi ý kiến chủ quan của các nhà lãnh đạo với tư duy nhiệm kỳ và sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Dẫn đến nhiều quy hoạch, công trình, dự án không những thiếu khả thi trong thực tế mà còn gây cản trở tới nhà đầu tư có tiềm năng.
Rồi việc thiếu ý tưởng đột phá, thiếu tầm nhìn; sự dễ dãi trong thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch. Bởi thế, chuyện quy hoạch mà cứ 3 năm bổ sung, 5 năm điều chỉnh, tạo ra kẽ hở cho xin- cho không còn là hiếm. Ví dụ có khu vực đô thị quy hoạch khu vực thấp tầng, nhưng nhờ quan hệ nào đó mà người ta có thể sửa quy hoạch, cho xây cao tầng, bất chấp hệ lụy về cơ sở hạ tầng, xã hội xung quanh. Rồi tình trạng chậm triển khai quy hoạch hoặc làm chưa đến nơi, đến chốn, không đồng bộ cũng là một bất cập được chỉ ra. Dẫn đến thực tế quy hoạch làm trường học, công viên… nhưng thực tế lại là nhà cao tầng, hay một công trình thương mại gì khác, nhưng cũng không ai xử lý. 
Một điều được các ĐB phát hiện là thiếu trong Dự Luật, nhưng lại là vẫn đề bức xúc bấy lâu là “dân khổ vì quy hoạch treo”. Điển hình như bao nhiêu năm qua, có những gia đình không biết bao nhiêu năm nằm trong vùng quy hoạch, không thể sửa nhà, xây nhà. Nên có ý kiến đề xuất, quy hoạch không phải cứ vẽ ra trên giấy, cần tính đến quyền hạn, quyền lợi những người trong vùng bị quy hoạch. Quy hoạch đúng là phải nhìn tương lai nhưng không thể quy hoạch để cả đời người phải nằm trong vùng đó, không đền bù, không xây dựng được.
Bởi thế, Luật ra đời với hy vọng giải quyết được những bức xúc hiện nay, cần tính đến mọi yếu tố, mọi góc nhìn. Trên hết, thay đổi thể chế trong quy hoạch là tốt nhưng điều quan trọng không kém là thay đổi tư duy về cách làm quy hoạch. Như các ĐB đã đề cập, nếu coi quy hoạch là tài sản quốc gia, phải kiểm soát như là tài sản công. Phải đưa quy hoạch vào khuôn khổ bằng những chế tài đủ mạnh. Tức là phải xử lý được trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể xây dựng ra những sản phẩm quy hoạch không tốt, gây hại cho nền kinh tế. Nếu có quy hoạch tốt rồi nhưng lại để diễn ra tình trạng băm nát, thậm chí lợi ích nhóm lái quy hoạch, hay là điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện thì phải có những chế tài. Điều này cần phải được xem xét xử lý như là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hại cho nền kinh tế... 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần