ATTP là “vũ khí” cạnh tranh mạnh nhất của ngành bán lẻ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuỗi sản xuất bán lẻ xanh sạch, đảm bảo ATTP là một vũ khí cạnh tranh cao nhất, mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển của ngành bán lẻ trước mắt cũng như trong tương lai.

Đây là khẳng định của ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội tại Hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm" vừa diễn ra sáng nay (2/12). 
Nói về sự phát triển của lĩnh vực bán lẻ tại Hà Nội từ năm 1995 trở lại đây, ông Phú cho rằng kênh mua bán này đã tăng mạnh cả về số lượng nhà cung cấp cũng như nhu cầu của khách hàng. Tới hiện tại, Thủ đô đã có 120 siêu thị và 25 Trung tâm thương mại.

"Tuy chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15% doanh số của kênh bán lẻ song kênh siêu thị lại có tác dụng dẫn dắt thị trường, nhất là về vấn đề chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng", ông Phú khẳng định.

Ông Vũ Vĩnh Phú: Siêu thị có thể khẳng định vị thế của mình rõ ràng nhất ngay từ ATTP
Dự báo đến năm 2030, trên địa bàn TP, hệ thống siêu thị sẽ chiếm tỷ trọng bán lẻ từ 30% - 35% tổng mức bán lẻ chung hàng năm. Với mức thu nhập của người dân Thủ đô ngày càng tăng lên trong 5-10 năm tới, yêu cầu đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng lên ở các đơn vị bán lẻ, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nói. 
Mặc dù vậy, hệ thống siêu thị ở Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại đã lâu nhưng chưa khắc phục được. Có lúc, có nơi có mặt hàng cá biệt còn chưa đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng ở các siêu thị trên địa bàn, việc kiểm tra ngược các đơn vị cung ứng của các siêu thị làm chưa được tốt. 
Bên cạnh đó, các thiết bị bảo quản, dự trữ bán ra hàng nông sản thực phẩm còn chưa được chuẩn hóa, có thể làm suy giảm chất lượng thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. "Không những thế, mối quan hệ giữa những nhà bán lẻ và nhà cung ứng còn những vướng mắc như chiết khấu cao, chi phí lớn khi đưa vào siêu thị… điều đó làm cho hàng sạch, hàng ngon chưa vào hết được siêu thị để phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là hàng Việt Nam", ông Phú chia sẻ. 
Với những tồn tại như trên, bản thân từng siêu thị phải tự khắc phục là chính. Xây dựng thương hiệu trước hết là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng. Từng bước tiêu chuẩn hóa hệ thống siêu thị đạt mức chuẩn khu vực ASEAN và Châu Á trong 5-10 năm tới, ông Phú đưa ra lời khuyên. 
Ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, ông Phú cho rằng cũng rất cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của chính quyền TP Hà Nội.
TP cần đứng ra tổ chức sản xuất sạch và liên kết thu mua hàng hóa sạch với các tỉnh thành trong cả nước để cung ứng cho thị trường thủ đô. Mặt khác cần đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém phẩm chất lọt ra thị trường, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
TP cũng cần hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch một cách bền vững. Chú trọng lợi  nhuận chính đáng của nhà sản xuất sạch , đó là cái gốc của sự phát triển bền vững trước mắt cũng như trong tương lai, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đưa ra khuyến nghị. 
"Có thể nói, chuỗi sản xuất bán lẻ xanh sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm là một vũ khí cạnh tranh cao nhất, mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển của sản xuất và bán lẻ trước mắt cũng như trong tương lai. Các siêu thị cần nắm bắt những cơ hội để khẳng định mình trên thị trường bán lẻ Thủ đô, đồng thời luôn luôn xứng đáng là kênh thương mại văn mình, kênh an toàn thực phẩm số 1 của Thủ đô Hà Nội", ông Phú khẳng định.