Ngành chăn nuôi dễ chịu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra khi đánh giá về tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sắp tham gia trong thời gian tới đối với ngành chăn nuôi.

Tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 4 với chủ đề "Tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam" do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm 9/9, các chuyên gia đều chung nhận định hiện ngành chăn nuôi trong nước không được coi là một ngành có lợi thế cạnh tranh cũng như dễ chịu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại.

Tính tới thời điểm hiện tại, ngưỡng cửa hội nhập đang đến rất gần Việt Nam, có thể kể đến như TPP có 12 nước tham gia với 19 vòng đàm phán chính thức; AEC sẽ hoàn tất trong năm nay nếu theo đúng lịch trình. Tuy nhiên chăn nuôi, ngành lớn thứ hai trong nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, kém cạnh tranh trong đó vai trò của người nông dân vẫn chưa được đảm bảo và chú trọng.

 
Chuyên gia VEPR: Ngành chăn nuôi dễ chịu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại
Chuyên gia VEPR: Ngành chăn nuôi dễ chịu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại
Theo đánh giá của VEPR, hiện sữa và bò thịt đang được xem là lĩnh vực có thể cạnh tranh được trong môi trường hội nhập nhưng vẫn không tránh được tình trạng phát triển "cò con" tương tự như toàn ngành chăn nuôi. Tiêu biểu là lĩnh vực sữa, đối với thị trường cung cấp bò sữa để cho ra thành phẩm, số lượng trại giống, công ty cung cấp bò, trang trại thu mua bò có quy mô lớn có số lượng rất ít, trong khi đó số lượng nông hộ tham gia nuôi bò lại chiếm số lượng lớn.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với sữa tươi nguyên liệu, trong khi công ty thu mua sữa tuy có số lượng ít nhưng lại được quyền chi phối giá thu mua cũng như độc quyền mua. Bên cạnh đó các công ty này có thể lựa chọn giữa các nhà xuất khẩu nước ngoài hoặc các nông hộ trong nước hiện đang chiếm số lượng lớn và là hai nguồn cung chính cho sữa tươi nguyên liệu.

Kịch bản này cũng lặp lại tương tự đối với lĩnh vực bò thịt, khi các công ty thu mua mặc dù ít nhưng được tự xác định giá cả, trong khi đó nông hộ mặc dù chiếm số lượng nhiều, là đối tượng lao động chính nhưng lại bị đẩy sang vai trò bị động. Đặc biệt, bò thịt Việt Nam được cảnh báo là sẽ khó ra nhập thị trường hơn sau hội nhập bởi lúc đó yêu cầu về kỹ thuật chăn nuôi cũng như chất lượng sẽ khắt khe hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.

Không những thế, theo nhận định của VEPR, các chính sách của nhà nước dành cho những lĩnh vực này như quản lý giống, hỗ trợ nông hộ, khuyến khích trang trại tập trung ... đang chưa có hiệu quả hoặc tính thực thi còn chậm hoặc thậm chí có nhiều chính sách đã ra đời nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Chính từ thực trạng trên, VEPR cho rằng vai trò của các nông hộ đang là rất thấp trong quá trình từ sản xuất đến cung cấp sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Đây sẽ là đối tượng chịu "khổ" nhiều nhất khi họ hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty thu mua, không có tiếng nói trong việc quyết định giá cả sản phẩm mà mình bán ra. Điều này trực tiếp dẫn tới việc người nông dân sẽ không thể cạnh tranh được khi Việt Nam chính thức gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế như TPP hay AEC.

Còn nếu xét trên phạm vi toàn ngành, sau hội nhập, thị phần trong nước chắc chắn sẽ bị thu hẹp lại do cạnh tranh đến từ nước ngoài. Khi đó người tiêu dùng sẽ chỉ chú ý tới giá cả và chất lượng chứ không quá chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ. Đáng chú ý, nếu Việt Nam gia nhập TPP, dòng thương mại có xu hướng sẽ thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ ...

Trao đổi với Kinh tế và Đô thị, ông Đào Thế Anh- Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, cũng có cùng quan điểm với VEPR khi cho rằng mặc dù là ngành đầu tàu của nền nông nghiệp nhưng chăn nuôi đang phát triển không bền vững và rất dễ tổn thương do tính cạnh tranh kém khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh sự cạnh tranh rất mạnh ngay từ thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ gay gắt hơn rất nhiều từ các nước hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia, Newzeland thì ngành chăn nuôi lại gặp rất nhiều rào cản như liên kết thị trường, tổ chức sản xuất, nguyên liệu, đất đai ... Trong đó vai trò của người nông dân lại rất hạn chế, chưa được xem là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới quá trình cạnh tranh sau hội nhập.

Nếu vẫn duy trì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dựa chủ yếu vào chăn nuôi hộ gia đình, lệ thuộc vào giống và thức ăn nhập khẩu, đi kèm với đó là vệ sinh giết mổ và an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế ... như hiện tại thì chúng ta sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn, nếu không muốn nói là có nguy cơ thất bại ngay từ giai đoạn đầu khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP, ông Anh nhấn mạnh.

Theo VEPR, ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết là cấu trúc lại thị trường. Trong đó, để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước, cần chú trọng khuyến khích đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đi cùng với hệ thống giết mổ tập trung và phần phối, bán lẻ có làm lạnh nhằm phục vụ thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi, chuyển từ thịt nóng sang các sản phẩm đông lạnh.

Ngoài ra chăn nuôi ở quy mô nông hộ không nên được khuyến khích quá đà, các hỗ trợ cho người nông dân nên tập trung chủ yếu vào chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Ưu tiên vào các phân ngành không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại do thói quen tiêu dùng hoặc do các rào cản thương mại tự nhiên như thịt tươi hơn, sữa tươi, lợn cắp nách ...

Về phía chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất quy mô lớn cũng cần được đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như có các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường của doanh nghiệp được gắn liền với các chương trình quốc gia về khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng và an toàn.