Ngành chăn nuôi Hà Nội: Chủ động hội nhập

Bài, ảnh: Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập, ngành chăn nuôi Hà Nội đã chủ động đưa con giống chất lượng cao vào sản xuất theo vùng, xã trọng điểm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và phát triển chuỗi liên kết.

Nâng cả chất và lượng

Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong tốp đầu cả nước, với tổng đàn trâu 25.000 con, đàn bò 130.000 con (trong đó bò sữa 15.700 con), đàn lợn 1,8 triệu con và đàn gia cầm các loại 30 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 435.000 tấn. Đến nay, ngành chăn nuôi trên địa bàn TP đã phát triển mạnh cả về chất và lượng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và các điều kiện vệ sinh, môi trường, Hà Nội có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để đưa chăn nuôi thành ngành hàng chủ lực. Thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển những giống mới có năng suất, chất lượng cao, các giống mới đưa vào chăn nuôi đã khẳng định được tính thích nghi và cho hiệu quả kinh tế cao như bò thịt BBB, bò Wagyu, gà D300, lợn nhập ngoại cao sản…
 

Bên cạnh đó, năng suất và chất lượng sản phẩm còn được nâng cao nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Anh Nguyễn Tiến Lợi - Quản lý Trung tâm Hợp tác phát triển bò và đồng cỏ quốc tế Ba Vì cho biết: “Hiện nay, hầu hết các công đoạn trong chăm sóc bò của Trung tâm đều được máy móc hỗ trợ, vì vậy năng suất lao động rất cao. Đặc biệt, với công nghệ vắt sữa hiện đại, sữa bò vắt ra được chuyển trực tiếp vào kho dự trữ, bảo đảm chất lượng”. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao còn góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, chủ trương phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, theo chuỗi liên kết đã giúp truy xuất nguồn gốc, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa DN với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.

Đáp ứng nhu cầu hội nhập

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Tiến Nghi, những năm qua, Hà Nội xác định hướng đi phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030. Theo đó, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, nhập nội các con giống có năng suất cao. Phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2020 hình thành các khu, trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất và giá trị từ 1,5 – 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP, có truy xuất được nguồn gốc nhằm giải quyết tình trạng chăn nuôi được mùa rớt giá và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Với những kết quả đạt được, Hà Nội đã có những bước đi đúng đắn để đưa ngành chăn nuôi Thủ đô phát triển hiệu quả, bền vững, ngày càng khẳng định vị thế là ngành mũi nhọn trong cơ cấu nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn về phân phối, tiêu thụ, cũng như vấn đề đảm bảo ATTP. Nguyên nhân là do Hà Nội vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở các khu vực dân cư, chợ truyền thống... Mặt khác, chưa có sự hợp tác bài bản giữa DN và người chăn nuôi từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào. Các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn ít và thiếu đồng bộ.