Ngành công nghiệp ô tô Việt và câu chuyện "đứa bé không bao giờ chịu lớn"

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được bảo hộ cùng nhiều chính sách hỗ trợ đi kèm trong suốt hơn 25 năm nhưng cho đến hiện tại ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Trong tuần này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tìm giải pháp để cho ra đời các chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước khi Việt Nam phải giảm thuế mặt hàng này do các cam kết hội nhập. Thậm chí Chính phủ còn yêu cầu nghiên cứu biện pháp tự vệ nếu ô tô nhập tăng đột biến, ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Về khía cạnh vĩ mô, quyết định tiếp tục tăng mức bảo hộ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước là khá hợp lý nếu biết Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của giai đoạn "ô tô hóa" nhưng nếu đi vào vi mô thì vẫn còn những câu hỏi lớn về tính khả thi. Đã hơn 25 năm ngành này được bảo hộ nhưng sau từng ấy thời gian vẫn không thấy được sự phát triển ? Thay vì tiếp tục "bao bọc", liệu đã đến lúc để ngành công nghiệp ô tô tự đi trên đôi chân của chính mình thay vì chỉ như "đứa bé không bao giờ chịu lớn" ?
 Phát triển ngành công nghiệp ô tô vẫn là bài toán rất khó
Nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia, chưa cần đến hơn 2 thập kỷ mà chỉ với chưa đầy nửa quãng thời gian này, từ con số 0 tròn trĩnh họ đã vươn mình thành những quốc gia có nền công nghiệp ô tô hàng đầu trong khu vực. Và tới thời điểm hiện tại, đây đang là 2 quốc gia xuất khẩu ô tô nhiều nhất sang thị trường Việt Nam. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng xe nguyên chiếc đưa về nước từ Thái Lan đã đạt 5.714 chiếc còn nguồn gốc từ Indonesia là 3.108 chiếc.
Không chỉ vậy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà ngành công nghiệp ô tô tại bất kỳ quốc gia nào cũng phải hướng đến là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các dòng xe lắp ráp trong nước nhưng Việt Nam đã không làm được điều này. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa với các dòng xe lắp ráp trong nước đang ở mức 7% - 10%, cá biệt có 1 vài dòng tăng lên đến 15% - 18% nhưng những con số này vẫn còn cách rất xa so với mốc 60% đã từng được các chiến lược phát triển ngành này đặt ra cho năm ... 2010.
Cay đắng hơn, trong một cuộc họp với Chính phủ vào cuối năm 2016, Bộ Công thương thừa nhận Việt Nam đã thất bại trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. Trình độ của ngành mới chỉ dừng ở mức sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi ... rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Bên cạnh đó mức giá bán vẫn chưa hợp lý khi vẫn còn quá cao so với các quốc gia trong khu vực.
Với nhiều chính sách bảo hộ trong cả quá khứ và hiện tại nhưng ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn không thể phát triển vì vậy rất khó để trả lời câu hỏi nếu có thêm các biện pháp bao bọc mới từ Chính phủ thì liệu tương lai của ngành có tươi sáng hơn hay không. Cần lưu ý, bối cảnh quốc tế đối với Việt Nam tại thời điểm này hoàn toàn khác so với hơn 25 về trước khi hàng loạt các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Và tình thế càng trở nên bi quan hơn khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0% vào năm 2018, điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng nhập chắc chắn tăng mạnh so với hàng sản xuất trong nước. Xu hướng này đang trở nên rất rõ ràng khi mới đây, thông qua Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, các hãng xe của quốc gia này cũng đã đưa ra thông điệp đang tính tới phương án giám lượng xe lắp ráp tại Việt Nam thay vào đó nâng lượng xe nhập khẩu nhằm đảm bảo doanh thu trong những năm tới.
Thậm chí, trong một cuộc hội thảo có liên quan tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam diễn ra vào đầu năm 2017, ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp ASEAN - EU, từng thẳng thắn chỉ ra: Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô khoảng chục năm trước và đang ở rất xa so với các nước lân cận như Thái Lan hay Indonesia. Đến thời điểm này, Việt Nam đã mất cơ hội phát triển thị trường ô tô như mong muốn.
Nói về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cho rằng ngành này đang được hưởng quá nhiều ưu đãi cũng như chính sách bảo hộ quá dài. Đặc biệt là đối với các liên doanh nước ngoài, hứa nhiều nhưng chả thực hiện được bao nhiêu nhưng cứ gặp khó khăn là xin giảm thuế, không được giảm là quay sang "dọa" sẽ nhập khẩu thay vì lắp ráp. Chính những chính sách ưu đãi đã không tạo ra sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Trước khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% vào năm 2018, Chính phủ cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, loại bỏ thói quen dựa vào bảo hộ nhằm giúp doanh nghiệp tự đứng trên đối chân của chính mình. Làm được thì tồn tại, không được phải để tự đào thải, ông Anh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Đình Cung nhận định, đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước, các biện pháp bảo hộ quá lâu đã khiến ngành này không thể phát triển. Trong khi doanh nghiệp trong nước không tận dụng được chính sách ưu đãi thì doanh nghiệp nước ngoài lại dựa vào đó để hưởng lợi, hiện thị trường ô tô Việt đang bị lũng đoạn bởi các liên doanh như thế này. Đã tới lúc ngành công nghiệp ô tô cần có những thay đổi cốt lõi theo hướng thích nghi với tình hình hội nhập quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần