Ngành dầu mỏ Venezuela đối phó thế nào khi bị chặn xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu?

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Caracas đang chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang những khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, đặc biệt là tại Ấn Độ trong bối cảnh Washington vừa áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này.

Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đang tìm kiếm các nhà nhập khẩu dầu thô mới tại châu Á cũng như các cơ chế thanh toán thay thế sau khi Chính phủ Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu thô của Caracas sang Washington. 
Chính phủ Mỹ vừa siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu thô của Caracas sang Washington. 
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho biết, sau thời điểm lệnh trừng phạt của Mỹ lên PDVSA, tập đoàn năng lượng Venezuela chỉ xuất khẩu được 1,15 triệu thùng dầu/ngày. Trong khi đó, Caracas xuất khẩu tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng dầu/ngày trong những tháng trước khi Mỹ công bố biện pháp trừng phạt.
Để đối phó với lệnh trừng phạt từ Mỹ, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Manuel Quevedo thông báo nước này đang mở một hệ thống thanh toán theo hình thức như hàng đổi hàng với Ấn Độ nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu dầu thô vào quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới và là khách hàng lớn thứ 2 của Venezuela. Bộ trưởng Quevedo cho biết Venezuela nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm hàng hóa của Ấn Độ, bao gồm cả thuốc men. 
Bộ trưởng Dầu mỏ Manuel Quevedo vừa được chính phủ cử tới Ấn Độ để thuyết phục các công ty dầu mỏ nước này, gồm Reliance Industries và Nayara Energy, tăng gấp đôi sản lượng dầu nhập khẩu từ Venezuela.
Trước thời điểm Mỹ công bố áp đặt lệnh trừng phạt, PDVSA xuất khẩu hơn 500.000 thùng dầu/ngày sang Mỹ - thị trường thanh toán tiền mặt lớn nhất của Venezuela, tiếp theo là Ấn Độ, sau đó là Trung Quốc, ở mức trên và gần 300.000 thùng/ngày.
Bộ trưởng Quevedu cho biết, Venezuela đang cung cấp cho tất cả các khách hàng của nước này, trong đó có công ty Reliance Industries của Ấn Độ, bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ. Công ty này đã trả phần lớn cho số dầu mua từ Tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela bằng tiền mặt, cũng như cung cấp nhiên liệu cho Venezuela thông qua chi nhánh RIL tại Mỹ. 
Ông Quevedo cũng khẳng định, Venezuela sẽ tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các mối quan hệ hợp tác và trao đổi thương mại với Ấn Độ.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Quevedo, Venezuela sẽ tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các mối quan hệ hợp tác và trao đổi thương mại với Ấn Độ.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng việc tìm kiếm khách hàng mới tại châu Á không dễ dàng đối với Venezuela khi Washington sử dụng tổ chức chính trị và tài chính của mình nhằm gây áp lực cho các nước không giao dịch được với PDVSA.
Trong một báo cáo mới nhất, Ngân hàng Barclays cảnh báo: “Xem xét tất cả những khó khăn mà Venezuela đang phải đối mặt sau khi bị chính quyền Mỹ áp lệnh trừng phạt, từ việc cung cấp dầu cho các thị trường khác, các rủi ro về mặt pháp lý, uy tín và điều kiện tài chính của các nhà giao dịch hoặc các đối tác kinh doanh, trong ngắn hạn, ngành dầu mỏ của Caracas sẽ khó có thể tiếp cận thành công được các khách hàng mới.
Trước đó, hôm 28/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một số biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào PDVSA, theo đó mọi tài sản và lợi ích của tập đoàn này có liên quan tới quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng và các cá nhân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với PDVSA. Đây là các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Venezuela, động thái được cho là để gia tăng áp lực đối với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.