Ngành đường sắt: Muốn phát triển phải đổi mới toàn diện

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong vòng ít ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2018, hàng loạt vụ tai nạn và sự cố đường sắt đã xảy ra. Điều đáng nói, lâu nay, loại hình vận tải công cộng này vẫn được đánh giá là một trong những ngành vận tải có hệ số an toàn rất cao.

 TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 
Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn, sự cố đường sắt liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, cũng như những vấn đề tồn tại trong ngành này cần được khắc phục.
Chưa nhận rõ nguy cơ

Theo ông, vấn đề an toàn chạy tàu của ngành đường sắt nước ta đã ở mức báo động chưa, khi chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn, sự cố?

- Đúng là thời gian qua đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn và sự cố đường sắt nhưng số vụ đó vẫn còn ít so với thực tế. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã có gần 200 vụ. Nếu so sánh sự biến động về số vụ tai nạn, sự cố đường sắt với sự biến động của thị phần ngành này trong thời gian qua sẽ thấy rõ hơn là tai nạn đường sắt đang ở mức độ nào. Cách đây 10 năm, thị phần đường sắt ở vào khoảng 1,4% tổng thị phần vận tải nhưng giờ con số đó giảm xuống chỉ còn 0,5%. So sánh với số vụ tai nạn, sự cố chạy tàu trong khoảng thời gian này thì giảm nhưng nếu tính trên tỷ lệ thị phần của ngành đường sắt thì tình hình tai nạn, sự cố đường sắt lại tăng. Từ đó có thể nói tình hình tai nạn và sự cố đường sắt hiện nay đang ở mức rất báo động.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn, sự cố của ngành đường sắt?

- Trong ngành đường sắt phân biệt ra nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nhưng tôi thấy lâu nay mỗi khi đưa ra nguyên nhân trong các vụ tai nạn, sự cố đường sắt thì ngành đường sắt chủ yếu đưa ra nguyên nhân khách quan là chính.
 Đoạn đường ngang dân sinh không có cần chắn qua huyện Thường Tín. Ảnh  Nguyễn Huy 
Tóm lại cứ sự cố hay tai nạn xảy ra thì họ đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Nếu tính theo báo cáo chính thức của ngành đường sắt, nguyên nhân chủ quan rất ít, nguyên nhân khách quan rất nhiều. Lấy ví dụ như một trong những vụ tai nạn vừa rồi. Khi đưa ra nguyên nhân, ngành đường sắt lý giải rằng do khi đoàn tàu chạy đến nơi thì đường ray không ổn định nên dẫn đến trật đường ray, còn lái tàu làm việc đúng quy trình. Kết luận như thế là đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Đúng là với người lái tàu thì không có lỗi nhưng tại sao không chỉ rõ trách nhiệm của Trưởng ga và cả một bộ phận nhà ga? Những người này sao không kiểm tra đường ray trước khi đón tàu đến? Rõ ràng bản thân đường sắt bây giờ vẫn chưa nhận rõ được cái lỗi của mình. Mà đã chưa nhận ra lỗi thì làm sao khắc phục được.

Vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc chấn chỉnh các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến ATGT đường sắt, trong đó có chỉ rõ một loạt sai phạm của các nhân viên... đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm. Theo ông, liệu đây có phải là ngành đường sắt đã nghiêm túc nhận lỗi, không đổ cho nguyên nhân khách quan nữa không?

- Đúng là sau một loạt vụ tai nạn, sự cố chạy tàu xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua, ngành đường sắt đã có những động thái quyết liệt, kiểm tra toàn diện và chỉ ra những hành vi vi phạm của các nhân viên trong ngành. Tuy nhiên, bản báo cáo đó của ngành đường sắt về bản chất vẫn là đổ lỗi cho cấp dưới. Trong khi ngành đường sắt vốn là một hệ thống, có Tổ trưởng, Trưởng ga, Trưởng tàu... Trên nữa có tổng công ty và các công ty. Vậy trách nhiệm của những người đứng đầu các đơn vị đó ở đâu? Tại sao những hiện tượng như thế lại không kiểm tra? Bây giờ, khi xác định trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị trong những vụ tai nạn, sự cố đường sắt, quan trọng nhất là phải kiểm tra từ trên xuống dưới. Từ trên phải nhận trách nhiệm chứ không phải chỉ đổ lỗi cho cấp dưới.
 Hiện trường vụ tai nạn đường sắt xảy ra vào ngày 24/5 tại Thanh Hóa.
Vậy ông nhận định đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng gia tăng các vụ tai nạn, sự cố chạy tàu của ngành đường sắt trong thời gian qua?

- Có thể nói, ngành đường sắt hiện nay đang ở trong vòng luẩn quẩn. Các ngành vận tải có một nguyên tắc là khi mà một ngành nào đó đi xuống, sẽ dẫn đến việc thiếu vốn và tai nạn xảy ra liên tục. Thị phần của ngành giảm, doanh thu giảm, tai nạn tăng lên như vậy kéo theo chất lượng phục vụ, chất lượng an toàn sẽ ngày càng kém đi. Chất lượng càng kém, người dân càng tránh xa và khi đó thị phần sẽ ngày càng giảm nữa. Đó là con đường khiến cho một ngành vận tải, nhất là vận tải hành khách công cộng rất dễ đi xuống. Hiện nay, ngành đường sắt đang ở cái vòng luẩn quẩn như thế.

Muốn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, chỉ có một cách là phải tự phá vỡ nó để thoát ra. Nhưng bây giờ bản thân ngành đường sắt đang rất lúng túng. Báo cáo hàng năm thì vẫn thế, thành tích rầm rầm nhưng thị phần lại xuống, tai nạn tăng lên. Bản thân ngành đường sắt hiện nay vẫn chưa nhận rõ nguy cơ của họ.

"Nếu có lỗi mà biết nhận lỗi của mình mới tiến bộ được và mới thu hút được hành khách đến với ngành. Đây cũng chính là một cách để ngành đường sắt xử lý khủng hoảng. Khi đã khủng hoảng mà tìm cách chối tội thì bao giờ cuộc khủng hoảng sẽ trầm trọng hơn, không giải quyết được, uy tín đi xuống. Còn khi đã để xảy ra khủng hoảng, nếu nhận lỗi của mình, bồi thường cho hành khách, uy tín sẽ tăng lên." - TS Nguyễn Hữu Đức

Thật ra, trong Bộ GTVT, ngành đường sắt có truyền thống hơi bó hẹp, nội bộ với nhau là chính nên rất khó đổi mới. Nhìn vào các ngành khác, đường bộ, hàng không đổi mới liên tục. Nhờ đó, thị phần của đường bộ và hàng không liên tục tăng trong thời gian qua. Còn đường thủy nội địa, tuy mức độ đổi mới không được mạnh như hai ngành kia thị phần vẫn lên dù chậm. Chỉ riêng đường sắt là thị phần càng ngày càng xuống, càng luẩn quẩn.

Nhận thức và ý muốn “thoát ra”

Ông có kiến giải gì để ngành đường sắt đổi mới và lấy lại thị phần như trước?

- Theo tôi, ngành đường sắt muốn đổi mới, trước tiên phải đổi mới về mặt con người. Bản thân con người trong ngành đường sắt mà trước hết là các lãnh đạo phải nhận thức rõ vòng luẩn quẩn đang vướng phải và muốn thoát ra nó.

Thứ hai là về đầu tư. Vẫn biết là đầu tư cho đường sắt rất lớn, nhưng cũng cần phải thấy đầu tư cho hàng không còn lớn hơn nhiều nhưng họ lại làm được. Cái quan trọng là một ngành muốn thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn và phát triển được không bao giờ được đóng kín nội bộ mà buộc phải liên kết, phối hợp với các ngành khác.

Hiện nay, đường bộ cũng có cơ chế rất mở cửa, họ học rất nhiều công nghệ mới của thế giới. Hàng không thì đi đầu trong việc đổi mới rồi. Trong khi đó đường sắt bao năm nay vẫn hầu như chẳng có gì mới. Mấy quy trình mô phạm học của Trung Quốc từ thời trước chiến tranh, đến nay vẫn chẳng có gì thay đổi. Việc liên kết với các ngành khác vừa đỡ tốn kém, vừa mang lại hiệu quả. Ngoài ra cần rà soát lại các quy trình quy phạm để cải tiến và đầu tư vào hạ tầng. Nếu bây giờ đầu tư ngay vào hạ tầng vật chất thì sẽ rất tốn kém nhưng nếu đầu tư vào công nghệ thông tin thì đương nhiên sẽ ít tốn kém hơn mà sẽ mang lại hiệu quả. Với những đổi mới này, ngành đường sắt hoàn toàn có thể thoát ra được khỏi cái vòng luẩn quẩn đang mắc phải để phát triển.

Xin cảm ơn ông!