Được biết đến là hình thức vận tải ưu việt ở khả năng kết nối toàn cầu nhờ đặc tính riêng biệt mà không một hình thức vận tải nào có được, hàng không trở thành lựa chọn hàng đầu cho những chuyến đi trên khắp thế giới. Nghiệt ngã thay, cũng chính bởi tính năng ưu việt đó đã khiến hàng không bị “chỉ mặt gọi tên” là công cụ có nguy cơ cao nhất trong việc phát tán dịch bệnh Covid - 19 trên bình diện toàn cầu. Và từ đó, khi những giải pháp kiềm chế dịch bệnh được đưa ra cũng là lúc ngành này bắt đầu chịu những thiệt hại ghê gớm.
Dịch Covid - 19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019. Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh này mới chỉ trải qua khoảng 2 tháng hoành hành nhưng tốc độ lây lan và sức tàn phá của nó vô cùng khủng khiếp.
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng hàng không trên thế giới có thể mất tới 113 tỷ USD doanh thu trong năm 2020 do ảnh hưởng của Covid - 19 nếu như dịch bệnh này tiếp tục giữ vững tốc độ lây lan khủng khiếp như hiện tại. Có thể nói, con số thiệt hại 113 tỷ USD là vô cùng khủng khiếp. Và đó cũng là con số thiệt hại lớn nhất của ngành Hàng không thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
American Airlines - một trong những hãng bay lớn nhất thế giới đưa ra thông báo, cổ phiếu của hãng này đã giảm tới 13% vào ngày 5/3 vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid- 19. Đây là mức giảm thấp nhất kể từ khi hãng này sáp nhập với US Airways vào năm 2013. Nhiều “ông lớn” khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như Delta Air Lines mất hơn 7% vào cuối phiên 5/3, United Airlines giảm hơn 13% và Southwest Airlines mất 3,6%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại của các hãng hàng không là sự sụt giảm nghiêm trọng lượng hành khách trên mỗi chuyến bay. Tốc độ lây lanh nhanh chóng và nguy cơ lây nhiễm dễ dàng qua tiếp xúc gần được cho là lí do chính khiến mọi người lựa chọn việc không đến những nơi đông người, không đi những phương tiện giao thông tập trung, trong đó có máy bay là phương án an toàn cho sức khỏe bản thân.
Bất chấp việc các hãng hàng không đang chạy đua để lôi kéo khách hàng bằng hàng loạt những gói khuyến mãi, kích cầu hấp dẫn, thậm chí nhiều đội bay đang miễn phí thay đổi lịch trình, và trong một số trường hợp giảm mạnh giá vé nhưng mối lo ngại về nguy cơ lây bệnh đã chiến thắng tất cả.
Vào thời điểm dịch bệnh Covid - 19 mới bùng phát, nhiều người còn phân vân nên đi du lịch hay không. Tuy nhiên, hiện tại, khi dịch bệnh đã lây lan ra toàn cầu, từ tâm lý phân vân đó, nhiều người đã chuyển hẳn sang suy nghĩ rằng họ sẽ nên làm việc gì khi họ cố thủ trong nhà nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh. Những chuyến du lịch bằng máy bay đã hoàn toàn bị triệt tiêu trong tâm trí họ.
Khi những giải pháp kích cầu không còn phát huy hiệu quả, nhiều hãng hàng không đã bắt đầu thực hiện cắt giảm chuyến bay, thậm chí cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương hòng ngăn chặn suy thoái kéo dài. United Airlines thông báo sẽ cắt giảm 20% các chuyến bay quốc tế vào tháng tới và 10% các chuyến bay nội địa đồng thời cũng đã rút dự báo tài chính năm 2020 vì dịch bệnh Covid - 19.
Trong khi đó, Cathay Pacific Airlines thì yêu cầu 27.000 nhân viên của mình nghỉ không lương trong 3 tuần còn Asiana Airlines phải sắp xếp 10.500 nhân viên làm việc theo các ca so le trong 10 ngày nghỉ không lương, kể từ ngày 19/2. Đặc biệt, Flybe - một trong những hãng hàng không độc lập lớn nhất châu Âu đã buộc phải để 2.400 công nhân của hãng rơi vào tình trạng thất nghiệp sau khi bị Covid - 19 "tàn phá" đúng vào thời điểm đang gặp khó khăn.
Khi thiệt hại mà dịch bệnh Covid - 19 gây ra cho lĩnh vực hàng không đã ở bình diện toàn cầu, các hãng hàng không Việt Nam cũng chẳng thể “chạy trời cho hết nắng”. Trong cuộc họp của Bộ GTVT về ảnh hưởng của dịch cúm Covid - 2019 đến các lĩnh vực GTVT vừa mới diễn ra vào cuối tháng 2/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra con số dự báo thiệt hại của các hãng hàng không khoảng 25.000 tỷ đồng. Cần nhớ rằng, chỉ trước đó khoảng nửa tháng, con số này được dự báo mới ở mức 10.000 tỷ đồng. Thế mới thấy sức tàn phá của dịch Covid - 19 gây ra tăng tốc ghê gớm đến mức nào.
Đánh giá về thiệt hại mà dịch Covid- 19 gây ra đối với ngành Hàng không, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 1/2020, tức là sau khoảng 1 tháng dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, thị trường vận tải hàng không đã bắt đầu giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 2/2020, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan (Trung Quốc), 92% số chuyến bay đến Hongkong (Trung Quốc).
Các chuyến bay đến Nhật Bản dù chưa cắt giảm, vẫn giữ 160 chuyến/tuần, tuy nhiên, các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Riêng đối với Hàn Quốc, các hãng Việt Nam cắt giảm 41% chuyến bay. Việc cắt giảm hoặc dừng khai thác các chuyến bay không chỉ ảnh hưởng đến các hãng hàng không mà gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều cơ quan, đơn vị khác trong lĩnh vực hàng không trong đó có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đưa ra 2 kịch bản tích cực về diễn biến của dịch bệnh Covid -19 tương đồng với con số thiệt hại của ngành Hàng không. Kịch bản thứ nhất là dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ).
Còn kịch bản thứ hai, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, các hãng bay của Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách, giảm 17% so cùng kỳ. Tuy nhiên, với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh trong thời gian gần đây, đặc biệt khi tốc độ lây lan chóng mặt tại nhiều nước châu Âu thì ngay cả kịch bản thứ 2 cũng khó có thể trở thành hiện thực. Điều này đồng nghĩa với việc thiệt hại của ngành Hàng không Việt Nam bởi Covid-19 sẽ còn lớn hơn nữa.