Ngành hàng không trong “cơn bão Covid-19” mới

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trọn một năm “bay trong bão Covid-19”, ngành hàng không tiếp tục đón nhận năm mới 2021 với nhiều tín hiệu đáng quan ngại về tình hình dịch bệnh trong nước và toàn cầu.

Một năm “bay trong bão”
Cuối năm 2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) báo tin không vui về doanh thu. Cụ thể, quý cuối cùng của năm 2020, doanh thu hãng giảm về mức 8.202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 23.133 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng cùng với các khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết dẫn đến quý IV/2020 Vietnam Airlines lỗ ròng 504 tỷ đồng, lỗ sau thuế 422 tỷ đồng, giảm 1.829% so với năm ngoái. Lũy kế cả năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 40.612 tỷ đồng, kinh doanh dưới giá vốn...
 Sân bay Nội Bài vắng vẻ trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Quý Nguyễn
Trong khi đó, tình hình tại hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng không khá hơn. Cả năm 2020, VietJet Air ghi nhận lãi 70 tỷ đồng, giảm 54 lần so với năm 2019, chủ yếu nhờ vào việc thanh lý tài sản cố định và tài sản dài hạn khác. Riêng Bamboo Airways, dù không công bố chi tiết kinh doanh ngành hàng không thiệt hại lên doanh thu của Tập đoàn FLC bao nhiêu phần trăm, song ban lãnh đạo công ty cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí thuê tàu bay, dịch vụ mặt đất tăng cao dẫn dến lợi nhuận gộp giảm 221%, âm 3.246 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh nhờ đó lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận dương 183 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2019.
Một DN lớn trong ngành hàng không là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng báo tin không vui về doanh thu trong năm 2020 khi lũy kế cả năm, doanh thu của ACV ghi nhận 7.802 tỷ đồng, giảm 135%, lợi nhuận còn 1.712 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 8.214 tỷ đồng của năm 2019. Tổng cộng tài sản của ACV giảm còn 56.992 tỷ đồng.

Những con số đáng buồn về doanh thu của các DN trong lĩnh vực hàng không chính là hậu quả sau một năm phải chật vật “bay trong bão Covid-19". Sự bùng phát của dịch bệnh khiến việc đi lại bị ngưng trệ, các chuyến bay quốc tế phải dừng hẳn trong khi bay trong nước chỉ có thể duy trì ở mức “rón rén” và “dè dặt”.
Doanh thu bị sụt giảm kéo theo hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với các DN hàng không, đặc biệt với các hãng hàng không, đó chính là nguy cơ mất thanh khoản, thâm hụt nghiêm trọng dòng tiền. Đặc thù của ngành hàng không là thu tiền trước từ bán vé để chi trả các chi phí thuê máy bay, trả lương nhân viên, chi phí vận hành…
Nói về cuộc đại khủng hoảng của ngành hàng không do Covid-19 gây ra trong năm 2020, nguyên Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đã mô tả bằng một câu ngắn gọn nhưng vô cùng súc tích và chính xác: “Từ thời hòa bình lập lại năm 1975, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít như thế”. 
Hành khách ồ ạt trả, đổi vé

Cuối tháng 1/2021, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại với các ca nhiễm đầu tiên ghi nhận được tại sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Đợt bùng phát thứ 3 này của Covid-19 diễn ra đúng vào thời điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu cận kề đã đẩy các hãng hàng không vào tình thế rất ngặt nghèo. Tâm lý lo ngại lây lan dịch bệnh khiến hành khách ồ ạt đổi, trả lại vé máy bay.
Dù chưa hãng bay nào lên tiếng xác nhận con số chính xác về lượng vé máy bay bị đổi, trả lại nhưng các hãng đều ghi nhận nhiều khách đã hoàn trả vé do muốn hạn chế đi lại góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là khách về quê Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Cùng với đó, một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly phòng dịch với người về từ các tỉnh/thành có trường hợp mắc Covid-19, nên nhiều người lựa chọn ở lại thay vì về quê đón Tết.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, khi dịch bùng phát tại một số địa phương, Vietnam Airlines đã ghi nhận số lượng khách yêu cầu hoàn vé, đổi vé tăng lên so với thường lệ. “Cả năm 2020 đã chật vật để tồn tại, đang hy vọng dịp cao điểm Tết vớt vát chút ít, dù lượng vé đã bán không bằng những Tết trước, thì dịch lại bùng phát. Khách có quê ở những vùng dịch không về được phải trả vé là việc phải chấp nhận.
Chúng tôi lo là một số khách có quê ở những tỉnh thành khác, hoặc khách du lịch cũng trả vé theo phong trào thì sẽ gây thiệt hại sẽ rất lớn” - đại diện một hãng bay thừa nhận những thiệt hại lớn do đợt bùng phát mới của dịch bệnh Covid-19 gây ra cho hãng. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng như đại diện các hãng bay khác đều khẳng định, bất chấp khó khăn, các hãng bay vẫn sẽ đồng hành, sẻ chia cùng hành khách, cùng người dân trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Đối với Vietnam Airlines, hãng đã triển khai chính sách hỗ trợ đổi vé cho khách bị cách ly hoặc khách bị hạn chế đi lại vì ảnh hưởng của Covid-19. Hãng bay cũng áp dụng rộng rãi các chính sách hoàn vé ra voucher miễn lệ phí. Đổi vé miễn điều kiện và lệ phí cho những chuyến bay bị hủy, chậm kéo dài, khởi hành sớm do dịch Covid-19 hoặc yêu cầu của nhà chức trách. Những chính sách này giúp bảo vệ tối đa quyền lợi của hành khách trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19. Tương tự, các hãng hàng không khác của Vietnam Airlines Group bao gồm Pacific Airlines và VASCO cũng triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch cũng như các giải pháp hỗ trợ hoàn, đổi vé cho khách.
Một năm đầy chông gai đang chờ phía trước

Phân tích về triển vọng phục hồi của ngành hàng không trong năm 2021, PGS TS. Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không cho rằng, với diễn biến hiện nay của dịch bệnh Covid-19 cùng với kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2020 vừa qua, ngành hàng không được dự báo sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa trong năm 2021. “Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn sẽ tiếp tục tạm dừng các đường bay quốc tế để phòng dịch. Điều này khiến triển vọng về ngành hàng không trên thế giới trong năm 2021 vẫn sẽ rất ảm đạm” - PGS TS. Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam sẽ có thêm một hãng hàng không mới chính thức “hòa mạng”, đó là Vietravel Airlines. Sự có mặt của Vietravel Airlines được dự báo sẽ khiến cho cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không trong nước càng trở nên gay gắt, nhất là khi hiện nay dư cung máy bay đang ngày càng nhiều, dẫn tới giới hạn lợi suất tiềm năng sẽ ngày càng cao hơn. “Với diễn biến phức tạp hiện nay của dịch bệnh Covid-19, các đường bay quốc tế trong năm 2021 chắc chắn vẫn sẽ tạm dừng. Việc thiếu những chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng hàng không phải sử dụng tất cả máy bay phục vụ trong thị trường nội địa. Điều này sẽ khiến giá vé máy bay sẽ giảm” - PGS TS. Nguyễn Thiện Tống phân tích và cho rằng, việc vé máy bay giảm, người tiêu dùng đương nhiên sẽ được hưởng lợi nhưng không có nghĩa là nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao. Bởi tâm lý e ngại dịch chuyển để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn sẽ là tâm lý phổ biến của người dân.

"Thời gian qua, các hãng hàng không Việt Nam đã cố gắng vực dậy sản xuất bằng cách tăng cường chuyến bay, đường bay nội địa với hy vọng sẽ bù lại phần nào thiệt hại từ việc dừng bay quốc tế. Tuy nhiên, bay nội địa dù có tăng cường nhiều cũng rất khó để phù đắp được thị phần quốc tế vốn chiếm đến 50 - 60 doanh thu các hãng hàng không." - Chuyên gia hàng không, PGS TS. Nguyễn Thiện Tống

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần