Ngành ICT mất 90% doanh thu vì Covid-19

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới đây của Bộ TT&TT, hiện doanh thu của doanh nghiệp ICT đã giảm từ 30 - 90%.

Do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ICT có hợp đồng, dự án đang triển khai với khách hàng đã bị dừng, hủy. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính do cạn kiệt nguồn vốn dự trữ. Có doanh nghiệp gặp khó khăn về nguyên linh phụ kiện do phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, thiếu nhân công, không thu hồi được nợ...
Ngành ICT mất 90% doanh thu vì Covid-19. Ảnh minh họa.

Theo Bộ TT&TT, khách hàng của ngành công nghiệp ICT đa số là đối tác nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, các nước châu Âu. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia này hiện nay đều rơi vào khủng hoảng do đại dịch nên để tìm hoặc giữ chân khách hàng là điều vô cùng khó khăn.

Các khách hàng giảm số lượng dự án, nhất là khối châu Âu từ tháng 3 giảm khoảng 60 - 70%, khối châu Á từ tháng 4 giảm khoảng 30%. Ngoài ra, các dự án mới đang trong quá trình thương thảo đều tạm dừng chờ hết mùa dịch.

Theo Bộ TT&TT, các phân khúc giải trí trực tuyến như các mạng xã hội, các nền tảng video mặc dù có nhiều người sử dụng hơn nhưng trước hiện trạng dịch bệnh, nhiều nhà quảng cáo hiện đã quyết định trì hoãn các chiến dịch marketing, dẫn đến doanh thu từ quảng cáo của các nền tảng này bị sụt giảm. Theo dự đoán, doanh thu quảng cáo trực tuyến có thể bị giảm từ 15 - 20%...

Đối với lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng, trong dài hạn, các chỉ tiêu trong lĩnh vực này sẽ sụt giảm từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm doanh nghiệp này gặp phải sự ách tắc từ phía đối tác. Mặt khác, đặc thù ngành game Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lưu chính, doanh thu và sản lượng bưu gửi so với tháng 2/2020 giảm bình quân 10 - 20%/tháng. Bộ TT&TT cho biết do giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, phạm vi chuyển phát trong nội tỉnh, nội đô các TP lớn đều giản. Hoạt động của các DNNN cung ứng dịch vụ bưu chính cũng sụt giảm doanh thu, sản lượng khoảng 10% so với tháng 2/2020.

Trước tình trạng khó khăn trên, Bộ Thông tin & Truyền thông kiến nghị 6 giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với Covid-19.

Trong đó có hỗ trợ nguồn lực, tập trung triển khai các gói tài chính giúp doanh nghiệp, cũng như có chính sách ổn định giá đầu vào. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công kết hợp đầu tư tư nhân, tạo thị trường cho doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số.