Ngành nông nghiệp Hà Nội: Bước chuyển mạnh sau dồn điền đổi thửa

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một nửa chặng đường thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Một trong những thành quả nổi bật nhất mà TP đã đạt được là những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp từ sau thành công lớn của chủ trương dồn điền đổi thửa đúng đắn và hiệu quả.

 Cơ giới hóa trong canh tác rau màu tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng

Bài 1: Cuộc cách mạng nông nghiệp mới
Trước năm 2010, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ, năng suất thấp, giá trị không cao. Để tạo bước chuyển căn bản thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, Hà Nội đã chủ trương và quyết liệt thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Nhiều mô hình nông nghiệp tập trung với kỹ thuật canh tác tiên tiến dần hình thành và được nhân rộng, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực.

Những cánh đồng “một thửa”
Đang là cuối vụ Mùa, những cánh đồng lúa tại xã Tam Hưng, Thanh Thùy, Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) ngả vàng rực rỡ. Bà con nông dân nơi đây hết sức phấn khởi, bởi làm nông nay đã bớt nhọc nhằn từ sau dồn điền đổi thửa.
Chỉ tay về phía cánh đồng “một thửa” rộng ngút tầm mắt, anh nông dân Nguyễn Đăng Thiện (thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng) bảo: Trước đây, ruộng của gia đình có tới 7 thửa, manh mún và nằm rải rác khắp các xứ đồng; nhưng nay được dồn ghép chỉ còn 1 - 2 thửa.
“Việc Hà Nội dám lựa chọn một bước đi khó trong xây dựng nông thôn mới là dồn điền đổi thửa để thực hiện là rất đáng hoan nghênh. Những tiến bộ đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã cho thấy tính đúng đắn của quyết sách trên. Thời gian tới, Hà Nội cần tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế vùng nông nghiệp ven đô; rà soát, đánh giá và có định hướng phát triển nông sản theo hướng đặc sản, phù hợp với từng vùng miền. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Sức người dần được thay thế bằng máy móc cơ giới hóa giúp tiết giảm đến 1/2 thời gian lao động; việc đồng áng cũng bớt vất vả bội phần. Nhưng quan trọng hơn, nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, giá trị từ cây lúa thu được cao hơn tới gần 9 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Nằm xa nhất về phía Đông Bắc của Hà Nội, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh cũng được “đánh thức” sau dồn điền đổi thửa. Những vựa rau trù phú ven sông Hồng đang thực sự thay đổi đời sống cho người nông dân nơi đây. Từ một hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, ông Nguyễn Văn Sang (xã Tráng Việt) đang ngày một khấm khá nhờ nghề… trồng rau.
Sau dồn điền đổi thửa, huyện Mê Linh đã tạo ra những quỹ đất tập trung rộng lớn, giúp những hộ dân như ông Sang được hưởng lợi. Cụ thể, bên cạnh 3 sào đất được giao, ông Sang đã thuê 2ha đất nông nghiệp tại các xã Hoàng Kim và Văn Khê để trồng rau. Nhờ áp dụng phương thức tưới tiết kiệm, canh tác an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu của gia đình ông không dưới 500 triệu đồng/năm. Từ một hộ khó khăn, đến nay, gia đình ông Sang đã có “cửa ăn của để”, thuộc diện khấm khá nhất làng.
 Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa gạo trên cánh đồng huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng

Nhân rộng mô hình nông nghiệp hiện đại
Hai ví dụ nêu trên là những lát cắt thể hiện sự phát triển tiến bộ của nền nông nghiệp Thủ đô sau thành công lớn của chủ trương dồn điền đổi thửa. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sau khi dồn điền đổi thửa đạt trên 79.183ha, TP tập trung chỉ đạo chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi giá trị cao. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của Nhân dân, toàn TP đã chuyển đổi được 17.585ha.
Từ chỗ sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, trên địa bàn TP đã hình thành được 154 cánh đồng mẫu lớn canh tác lúa chất lượng cao cho giá trị kinh tế gấp 25 - 30%; 101 vùng sản xuất rau an toàn quy mô từ 20ha trở lên cho giá trị từ 400 - 500 triệu đồng/ha; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh cho doanh thu từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha; 15 vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, cùng 3.941 trang trại, gia trại… Giá trị kinh tế trên 1 héc-ta canh tác nông nghiệp của Hà Nội liên tục tăng, hiện đã đạt khoảng 239 triệu đồng.
Nhưng bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp của Hà Nội hiện đang phải đối mặt. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp; chất lượng an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo…
Đối với nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn thực phẩm. Tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiện đại; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường hiệu quả liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, quan tâm hơn nữa tới phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, thúc đẩy du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

(Còn nữa)