Ngành ô tô và xu hướng mới trong công nghiệp 4.0

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tương lai công nghệ ô tô và Robot trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ đề của Hội thảo do FPT Software và Vietnamworks tổ chức ngày 15/4 với sự tham gia của 300 chuyên gia công nghệ, kỹ sư, sinh viên CNTT.

Không còn lãnh địa bất khả xâm phạm

Tại Hội thảo, các chuyên gia của FPT Software đã chia sẻ về xu hướng công nghệ ô tô, Robot trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xử lý hình ảnh, phần mềm nhúng trong công nghệ ô tô.

Đặc biệt, tại sự kiện, các chuyên gia công nghệ của FPT Software đã demo một số giải pháp công nghệ hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS) như nhận diện làn đường; camera cảm biến 360; phát hiện vật cản, tín hiệu đèn giao thông, biển báo giao thông; bảng giám sát điều khiển thân vỏ ô tô… Trong đó, có một số giải pháp đang được FPT Software và đối tác đưa vào ứng dụng trong một số dòng xe ô tô hạng sang của các hãng xe hàng đầu tại Nhật Bản, châu Âu.
Toàn cảnh Hội thảo do FPT Software và Vietnamworks tổ chức
Thực tế, hiện các hãng ô tô đang đầu tư rất mạnh mẽ cho xe không người lái. Tesla dự kiến sẽ cho ra mắt xe không người lái vào năm 2018, Toyota đầu tư 1,2 tỷ USD để phát triển trí thông minh nhân tạo trên dòng xe của mình với mục tiêu đưa xe tự lái vào đời thực năm 2020. Theo dự báo của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), doanh thu của thị trường xe không người lái sẽ đạt khoảng 42 tỷ USD vào năm 2025 và con số này vào năm 2035 sẽ là 77 triệu USD. Những chiếc xe không người lái có thể chiếm tới 25% lượng ôtô bán ra trên toàn cầu vào năm 2035.
 Khu vực trình diễn công nghệ thu hút sự quan tâm của nhiều người
Đối với việc phát triển xe không người lái và xe điện thì phần mềm đóng vai trò quan trọng nhất, được ví như não bộ, đảm bảo cho xe vận hành. Một chiếc xe hiện đại được điều khiển bởi 40 tới 100 hệ thống nhúng. 90% sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. 100% xe sẽ kết nối với Cloud. Với xu hướng này, xe không người lái không còn là lãnh địa bất khả xâm phạm của Ford, Daimler, Toyota, Nissan... mà dần dịch chuyển thành lãnh địa của các công ty phần mềm. Các công ty công nghệ không hề có lịch sử, kinh nghiệm về ô tô như Google, Tesla, Uber, Lyft, Apple, Baidu... và cả FPT Software đều đang đứng trước cơ hội rất lớn trong lĩnh vực này.

Phần mềm FPT Software lên ngôi

Chia sẻ về xu hướng và các công nghệ ô tô, ông Đinh Đức Hiệp - Giám đốc Sản xuất FPT Global Automotive cho rằng, trong 3 năm qua, FPT Software đã chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển các xu hướng công nghệ mới, trong đó, mảng công nghệ ô tô là một hướng đi quan trọng. Năm 2016, công ty đã thành lập một đơn vị chuyên nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực ô tô với quy mô hơn 1.000 người.
Ông Đinh Đức Hiệp - Giám đốc Sản xuất FPT Global Automotive trao đổi tại Hội thảo
Tính đến thời điểm này, FPT Software đã và đang triển khai 150 dự án liên quan đến công nghệ ô tô cho các khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Công ty kỳ vọng, mảng giải pháp công nghệ ô tô sẽ đạt doanh số 200 triệu USD vào năm 2020 và quy mô nhân lực đạt 8.000 người. Dự kiến, riêng trong năm 2017, FPT Software cần tuyển khoảng 1.000 kỹ sư CNTT, chuyên gia công nghệ cho mảng giải pháp công nghệ ô tô. Tùy thuộc vào vị trí, mức thu nhập có thể lên đến 2.000 USD và cơ hội làm việc ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. “Nếu mua các dòng xe được sản xuất trong vòng 2 năm tới tại thị trường châu Á sẽ có các ứng dụng do FPT Software triển khai” – ông Hiệp khẳng định. Đồng thời nhấn mạnh, với những lực lượng đông đảo và khách hàng mà FPT Software đang có thì không chỉ có cơ hội lớn làm sản phẩm phần mềm cho các dòng xe mới nhất mà thậm chí còn là xe Made in Vietnam.
 
Còn theo ông Frank Steinert - Giám đốc hợp tác chiến lược với FPT Software, NXP và FPT Software cùng hợp tác như một đội ngũ thống nhất để phát triển các phần mềm. Động lực chính của chúng tôi cho lĩnh vực sản xuất ô tô là nâng cao trải nghiệm người lái, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Do đó, cần tuyển dụng thêm các kỹ sư ở Việt Nam và cung cấp khóa đào tạo cho nhân viên giúp họ có các kỹ năng làm việc quốc tế.

"Với 30% công ty hàng đầu thế giới sẽ có số lượng nhân viên nhỏ hơn số máy móc khi 3 triệu người lao động bị quản lý bởi người máy robot. Tương lai khi làm việc với robot, sẽ thay đổi nhiều trong cách suy nghĩ của con người. FPT trọng tâm chú trọng là trí tuệ nhân tạo, quản lý tri thức và đặc biệt là tri thức về não bộ cho robot. Hiện có 3 thể loại robot: Cánh tay tự động áp dụng cho ngành công nghiệp; Robot mang hình dáng người; Robot giống hình người và có cảm xúc giống con người." - Ông Lê Hùng Cường - Phó Giám đốc Ban Công nghệ FPT Software