Ngành sản xuất xi măng: Công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh thấp

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng lực sản xuất của ngành xi măng Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả cạnh tranh thấp, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng môi trường. Vì vậy, ngành xi măng cần phải có hướng phát triển bền vững hơn.

Ngành sản xuất xi măng cần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Ảnh: Doãn Thành
Tiêu hao nhiên liệu lớn
Giám đốc điều hành nhà máy xi măng Fico-YTL Nguyễn Công Bảo cho biết, hiện nay, nhiều dây chuyền sản xuất xi măng do chưa được đầu tư thiết thiết bị hiện đại nên việc kết hợp xử lý các loại chất thải trong dây chuyền sản xuất còn hạn chế so với năng lực sản xuất của ngành. “Trên thế giới hiện có 72 quốc gia sử dụng lò nung clinker (lò quay). Với nhiệt độ lên đến 1.800 độ C, môi trường kiềm cao và kích thước lò lớn, đảm bảo khả năng xử lý an toàn rất nhiều loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ này còn rất hạn chế” – ông Nguyễn Công Bảo cho hay.
Số liệu thống kê từ Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trên 30% dây chuyền sản xuất xi măng đang hoạt động có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất chưa đáp ứng được với việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tiêu thụ nhiên liệu cho ngành sản xuất xi măng đang ở mức tương đối lớn. Một nhà máy quy mô trung bình 2 triệu tấn xi măng/năm sử dụng khoảng 2 triệu tấn đá vôi, 200.000 tấn than, tiêu thụ khoảng 170 triệu kWh điện, thải ra khoảng 2,2 triệu tấn CO2 từ việc đốt nhiên liệu nung và từ các phản ứng hóa học khi nung.
Ứng dụng công nghệ 4.0
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay Việt Nam có 84 dây chuyển sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế đạt 101 triệu tấn/năm. Bên cạnh nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất lớn, ngành xi măng còn không ít dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả cạnh tranh thấp, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới môi trường. Việc tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất xi măng chưa được quan tâm đúng mức. “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trọng tâm là: Phát triển bền vững; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, TS Nguyễn Quang Cung cho biết, trước sức ép cạnh tranh, phát triển bền vững. Ngành xi măng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị sản xuất, kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chiều sâu để cải thiện hệ thống quản trị, nâng cao năng suất, chất lượng. “Cần phải biến xi măng thành một ngành sản xuất thân thiện với môi trường. Trong đó nhà máy phải xanh và sạch, phát thải thấp; khu vực khai thác mỏ phải được quản lý khoa học; khu vực đã đạt có khai thác phải hoàn khai và biến nơi đây thành các khu vực như hồ điều hòa, có cảnh quan” – ông Cung nhìn nhận.
Trong 3 yếu tố phát triển là kinh tế - xã hội – môi trường, ngành xi măng đã làm tốt 2 nhân tố trước là kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, yếu tố môi trường vẫn còn nhiều thách thức, trong bối cảnh dư luận xã hội hết sức nhạy cảm về vấn đề ô nhiễm, thất thoát tài nguyên.
Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng - TS Lê Trung Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần