Ngành Tài nguyên&Môi trường cần giảm dần cơ chế xin-cho

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Giảm dần cơ chế xin – cho. Tránh ôm đồm công việc, phân cấp thực hiện nhiệm vụ rõ ràng. Giải quyết nhanh chóng các khiếu kiện trong đền bù giải phóng mặt bằng…" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch 2016 ngành TN&MT diễn ra sáng 5/1.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, giai đoạn 2011 - 2015, ngành đã tham mưu để Chính phủ trình nhiều đạo luật quan trọng, đã được Quốc hội thông qua như: Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, mới đây là Luật Tài nguyên môi trường biển & hải đảo và Luật Khí tượng thủy văn… Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các vướng mắc của địa phương. Đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề hợp tác Mê Kông. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh bảo thiên tai. Tích cực triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo… Góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực TN&MT cho phát triển KT - XH, đóng góp quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước. Tính đến hết tháng 11/2015 thu từ đất đạt 49,2 ngàn tỷ đồng; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 7,5 ngàn tỷ đồng…

Bên cạnh những mặt làm tốt, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng chỉ ra hàng loạt các khiếm khuyết của ngành như: Khiếu kiện về đất đai kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm ở một số địa phương. Vấn đề quản lý, thanh tra kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số nơi còn lỏng lẻo. Việc lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai còn chậm. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu chưa thực sự được lồng ghép trong các chính sách chiến lược.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Tập trung xây dựng mới Luật Đo đạc & Bản đồ và hoàn thiện các văn bản dưới luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia; Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu (nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long); Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là những nhiệm vụ trọng tâm được ngành TN&MT đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, năm 2016, sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội dự án Luật Đo đạc & Bản đồ. Tập trung xây dựng các văn bản, quy định chi tiết thi hành Luật TN&MT biển và hải đảo, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra về TN&MT. Tổ chức thực hiện hiệu quả "Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước ngành quản lý đất đai". Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020 cấp quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận, xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Ngành TN&MT cần ưu tiên giải quyết các khiếu kiện trong đền bù GPMB, giám sát các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là Luật Đất đai. Hoàn thiện các Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ TN&MT cần phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng, thực hiện và giám sát các đề án ứng phó với biến đổi khí hậu".