Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Trịnh Khôi Nguyên cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến ngành VLXD gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là VLXD cơ bản như sắt, thép và xi măng... không đạt tốc độ tăng trưởng như những năm trước. Thực trạng trên dẫn đến việc các nhà sản xuất phải giảm sản lượng. “Đơn cử, đối với những DN sản xuất trong ngành thép, trong 3 quý đầu năm 2020 ghi nhận ở mức tăng trưởng âm, sản xuất giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019, tiêu thụ thép các loại giảm 9,6% so với cùng kỳ” – ông Trịnh Khôi Nguyên cho hay.
Khảo sát một số đại lý kinh doanh VLXD tại đường Tam Trinh
và đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) ở thời điểm hiện tại, sản phẩm VLXD cơ bản đều được đại lý giảm giá. Cụ thể, giá xi măng cuối quý III/2020 ở mức từ 73.000 – 85.000 đồng/bao xuống còn 70.000 – 83.900 đồng/bao; thép xây dựng giá bán cũng giảm từ 8 – 10% từ đầu tháng 9 đến nay.
Tuy nhiên, một số VLXD hoàn thiện giá bán tương đối bình ổn, đối với sản phẩm gạch lát nền của thương hiệu trong nước dao động từ 80.000 - 250.000 đồng/m2; gạch lát nền nhập khẩu từ 400.000 - 1,3 triệu đồng/m2. Những sản phẩm khác như sơn, đồ gỗ nội thất, thiết bị vệ sinh... giá bình ổn nhưng mức tiêu thụ chưa cao, do các công trình vẫn đang trong giai đoạn thi công phần thô, dự kiến trong khoảng 2 tháng tới VLXD hoàn thiện sẽ có mức tiêu thụ mạnh, để công trình có thể bàn giao sản phẩm trước Tết Nguyên đán.
“Mặc dù sản lượng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng đã tăng đáng kể so với những tháng đầu năm. Các DN cũng đã chủ động điều tiết sản xuất để giảm nguồn cung, khi thị trường trầm lắng nên hạn chế được tình trạng dư thừa. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục, khởi sắc hơn với mức giá cả ổn định” – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc nhận định.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư côngĐánh giá của các chuyên gia, theo chu kỳ vào thời điểm cuối năm, những dự án đầu tư công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình xây dựng để nghiệm thu, hoàn thiện năm tài khóa và DN BĐS cũng phải bàn giao sản phẩm cho người dân đón Tết Nguyên đán nên đây là thời điểm thị trường VLXD có mức tiêu thụ mạnh. Song thực tế, ngành công nghiệp VLXD đang phải đương đầu với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung trong nước dư thừa trong khi nguồn xuất khẩu bị giảm sút do các thị trường truyền thống cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, cùng với đó là những biện pháp tăng cường phòng vệ thương mại.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho rằng, Nhà nước cần phải tiếp tục nghiên cứu những giải pháp để hỗ trợ cho cộng đồng DN như: Xây dựng một gói hỗ trợ bổ sung giai đoạn 2, có thể là sẽ kéo dài đến hết năm 2021; lựa chọn những ngành nghề lĩnh vực để ưu tiên hỗ trợ, thông qua kết quả đánh giá tác động trong 8 tháng năm 2020; nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ khẩn cấp cho cả thiên tai và dịch bệnh... “Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Bởi lẽ, đây là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 - 2021 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn, với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng” – TS Cấn Văn Lực phân tích.
Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Khôi Nguyên cũng bày tỏ hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, những dự án đầu tư công sẽ được triển khai một cách tích cực, vì khối lượng đầu tư công trong năm nay rất lớn nhưng trong thời gian qua tiến độ thực hiện chưa đúng với mục tiêu đề ra. Nếu khối lượng công việc đó được đẩy nhanh trong giai đoạn cuối năm, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc phục hồi và tăng trưởng của ngành VLXD nói riêng, đóng góp cho ngành kinh tế nói chung” – ông Trịnh Khôi Nguyên nhìn nhận.