Ngành y tế và bảo hiểm xã hội: Bao giờ hết “ông chẳng, bà chuộc”?

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều xung đột, sáng 19/10, Bộ Y tế đã ngồi lại với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam để tìm tiếng nói chung trong thanh toán BHYT.

Nhưng thêm một lần nữa, những tranh cãi gay gắt, những màn đấu tố nhau giữa hai ngành vẫn làm nóng hội trường.
Trình độ giám định viên hạn chế

Theo Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Đặng Hồng Nam, công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại các cơ sở đang gặp nhiều vướng mắc với BHXH như: Một số nội dung trong hợp đồng KCB BHYT giữa các bệnh viện (BV) với cơ quan bảo hiểm chưa đúng với quy định; Hệ thống Cổng thông tin giám định điện tử chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều lúc bị lỗi khiến nhiều BV không được xuất toán; BHXH thường xuyên thay đổi quy tắc giám định, nhưng không thông báo với các Sở Y tế dẫn đến cơ sở áp sai quy tắc; Đặc biệt đội ngũ giám định viên của BHXH có “vấn đề”. Ước tính, một giám định viên BHYT của BHXH phải giám định khoảng 5.000 hồ sơ/tháng, trong khi đó 50% giám định viên không có trình độ y, dược, nên khó đảm bảo chính xác kết quả giám định khiến nhiều hồ sơ, bệnh án bị từ chối xuất toán.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dệt may. Ảnh:  Tuấn Anh

Ông Nam lấy dẫn chứng, trường hợp bệnh nhân tại BV đa khoa tỉnh Hải Dương chụp CT không phát hiện tổn thương, nhưng sau đó được phát hiện nhồi máu não nhờ chụp MRI, tuy nhiên, BHXH từ chối xuất toán chụp CT lần trước, chỉ thanh toán chụp MRI. Hay tại huyện Quảng Yên (Quảng Ninh) bị từ chối xuất toán 390 triệu đồng (năm 2016) chỉ vì Trung tâm y tế Quảng Yên không đủ điều kiện thực hiện dịch vụ kỹ thuật mà giới thiệu lên BV Thụy điển Uông Bí. Lý do được đưa ra là “bệnh nhẹ, không đáng chuyển”. Mặt khác, đại diện Bộ Y tế cho rằng, việc tạm ứng thanh toán của BHXH cho các cơ sở đều chậm và không đủ số tiền 80% khiến các BV gặp khó trong tài chính. Điều đáng nói là số tiền tạm ứng này đi đâu, trong khi phía BHXH khẳng định trên hệ thống đã được chuyển hết, nhưng cơ sở lại không nhận được.

Cũng phải nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên BHXH phải "làm chặt” thanh toán BHYT, bởi một phần từ phía các BV cũng có những chỉ định dịch vụ, kỹ thuật chưa hợp lý, thậm chí có mục đích để trục lợi quỹ BHYT. Ví dụ như khi thực hiện giám định chuyên đề sản – ngoại tại 5 BV lớn là Việt Đức, Xanh Pôn, Đại học Y Hà Nội, Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội cho thấy, những BV này đã thực hiện tách các dịch vụ y tế để thanh toán BHYT khoảng 5,33 tỷ đồng và thu thêm của người bệnh hơn 4 tỷ đồng. Khi tách dịch vụ, BHXH nhận ra những vô lý như một bệnh nhân có tới 2 phẫu thuật liên quan đến túi mật, đại tràng… thậm chí là cắt bao quy đầu.

Đặt lợi ích người bệnh lên đầu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cả ngành BHXH và ngành y tế đều có lỗi. Nguyên nhân gây mất cân đối quỹ BHYT, thứ nhất, do mức đóng hiện nay thấp, mức hưởng cao trong khi chưa có quy định trần về chi. Thứ hai, thiếu thống nhất đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong sử dụng thu, chi BHYT giữa 2 đơn vị. Thứ 3, một số địa phương chưa xem xét cụ thể đã yêu cầu cơ sở y tế phải tự chủ tài chính gây áp lực cho cơ sở dẫn đến tình trạng tận thu, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu cán bộ ngành BHXH tiếp thu vướng mắc mà Bộ Y tế đã chỉ ra để kịp thời khắc phục. “Chúng ta đang thiếu một thước đo lường tính hợp lý của các chi phí KCB, tức là các quy chuẩn, quy trình, phác đồ điều trị rõ ràng do Bộ Y tế ban hành, lấy đó làm căn cứ để cả giám định viên và cơ sở y tế tuân thủ. Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế phải sớm hoàn thiện các hệ quy chuẩn này, tránh cách hiểu khác nhau, xung đột về quan điểm” – bà Minh nhấn mạnh.
 Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải 
Hiện, Bộ Y tế và BHXH đang xem xét điều chỉnh Nghị định 105 trong thực hiện Luật BHYT; cũng đang điều chỉnh Thông tư 37 về giá dịch vụ y tế, Thông tư 22 về đào tạo chuyên môn. Trong tuần này hoặc chậm nhất tuần sau, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cách tính, định mức ngày, giường, bàn khám và các chứng chỉ chuyên ngành từ trạm y tế xã đến BV tuyến T.Ư. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, sau đó thanh tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (lạm dụng kỹ thuật, trục lợi) và xử lý vi phạm nếu như cơ quan BHXH từ chối thanh toán hợp lý của bệnh nhân và BV. Nếu xác định đúng BV trục lợi quỹ BHYT có thể chuyển cơ quan hình sự điều tra và xử lý.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Truy thu trên 82 tỷ đồng về Quỹ Bảo hiểm xã hội

Ngày 19/10, Phó Trưởng ban Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ cho biết thông tin trên tại tọa đàm “Đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam”. Theo đó, năm 2016, ngành BHXH Việt Nam thực hiện 7.578 cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện 39.445 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian số tiền hơn 23,6 tỷ đồng; 11.628 người đóng thiếu 9 tỷ đồng; 6.854 lượt lao động hưởng sai trên 7,8 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã thu hồi hơn 62 tỷ đồng; truy đóng trên 18,1 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính 104 đơn vị với số tiền 2,1 tỷ đồng.

Theo ông Thọ, tình trạng trốn, nợ đọng BHXH vẫn còn diễn ra phổ biến hầu hết ở các địa phương. Tính đến năm 2016 còn khoảng trên 300.000 DN nhỏ và siêu nhỏ trốn đóng BHXH cho người lao động. Ước tính có khoảng 1 triệu lao động trong các DN chưa được đăng ký tham gia BHXH bắt buộc. (Thủy Trúc)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần