Ngập úng tại các khu đô thị mới: Lỗi lệch pha quy hoạch cốt nền

Đức Dinh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các khu vực nội thành cũ ít bị ảnh hưởng mỗi khi mưa lớn thì những khu đô thị mới (KĐTM) lại thường xuyên chìm trong biển nước.

Ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính do cốt nền xây dựng của dự án sau “nhỉnh” hơn dự án trước. Về lâu dài, nếu quy hoạch cốt nền vẫn lệch pha với quy hoạch kiến trúc thì câu chuyện hễ mưa là ngập còn khó tìm lời giải.

Liên quan đến vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng để lý giải phần nào nguyên nhân ngập lụt tại các KĐTM ở Hà Nội.

Những ngày mưa liên tiếp diễn ra đang khiến người Hà Nội lao đao vì tình trạng ngập lụt. Trong đó, nhiều tòa chung cư, KĐTM phía Tây cũng rơi vào cảnh úng ngập. Ông có thể phân tích nguyên nhân chính khiến nhiều KĐTM trở thành điểm đen ngập lụt?

- Theo tôi, gốc rễ vấn đề là do độ cao cốt nền. Trong khi, phần quy hoạch cốt chuẩn lại liên quan mật thiết đến hệ thống thoát nước đô thị. Khi xây dựng một KĐTM ngoài rìa TP đã có quy định cốt bình quân cụ thể của KĐT ấy. Thế nhưng do việc quản lý cốt nền của chính quyền không nhất quán nên xảy ra vào tình trạng “tùy hứng” khi xây dựng mà “quên” tính tới quy định chung về sử dụng cốt nền trong thành thị. Chúng ta có quy hoạch chung của một khu vực rộng lớn nhưng hễ có khu đất nào xin dự án thì cho làm ngay nên dự án sau cốt nền cứ cao hơn dự án trước. Từ đây, mới có chuyện dự án bên cạnh định thoát về đây nhưng dự án sau lại thoát về phía khác chặn mất lối của dự án cũ.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước hiện đầu tư chưa hoàn chỉnh và chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống ao, hồ ở nội đô bị lấn chiếm hoặc bị san lấp… Vì vậy chỉ cần mưa lớn kéo dài 2 - 3 tiếng, hàng loạt tuyến đường lập tức ngập sâu.

Có vẻ hơi nghịch lý khi những khu dân cư cũ trong phố cổ thì ít ngập lụt, còn các KĐTM thì “vỡ trận”, thưa ông?

- Trước đây, ông cha đã tính toán rất kỹ để đặt khu dân cư cũ tại nền đất tự nhiên cao ráo, kết hợp với giải pháp thoát nước hợp lý nên hạn chế tối đa ngập lụt. Còn hiện tại, trong quá trình phát triển đô thị, chúng ta lại đi ngược nguyên lý quy hoạch. Nghĩa là, xây dựng ở những khu đất thấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ. Nhiều chủ đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận, tính toán diện tích sàn lớn… mà bỏ quên các yếu tố hạ tầng kỹ thuât. Vì lẽ đó, các KĐTM không thể chịu tải được khi lượng mưa lớn. Đơn cử như KĐT Xa La, Mậu Lương, Văn Phú, Văn Khê…

Việc bắt buộc các công trình xây dựng sau này phải tuân thủ chặt chẽ theo quy chuẩn cốt nền tối thiểu của TP, bảo đảm tránh được ngập lụt kể cả khi gặp phải trường hợp xấu nhất vì thế là hết sức cần thiết?

- Một thời gian dài quy hoạch cốt nền ít được xem trọng, dẫn đến việc thoát nước toàn TP thiếu hiệu quả. Sau khi quy hoạch cốt nền được lập lại, các công trình được cấp phép xây dựng mới vẫn dựa theo cốt nền cũ, những khu vực có đường giao thông và hệ thống cấp thoát nước chưa được nâng hoặc hạ theo quy hoạch mới. Do đó khi thực hiện nâng cấp đường giao thông và hệ thống cấp thoát nước theo quy hoạch mới thì xảy ra tình trạng nền nhà các KĐT thấp hơn đường.

Vì vậy, tùy khu vực, quy hoạch cốt nền không nên áp dụng máy móc theo nguyên tắc chỉ dựa trên lý thuyết cho toàn TP mà không nghiên cứu sâu hiện trạng để có những giải pháp phù hợp với toàn cục. Ngoài ra, cần có thêm những giải pháp phù hợp về kỹ thuật riêng cho các khu vực có hiện trạng dân cư phức tạp. Hà Nội cũng đã có bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500. Như vậy, độ cao của từng khu vực, từng đường phố, độ dốc… đã có đầy đủ. Vấn đề là khi quy hoạch thì phải tính độ cao đến mức an toàn, trong trường hợp xấu nhất thì cũng không để người dân bị ngập lụt. Tất nhiên, độ cao chuẩn được xác định kết hợp với giải pháp thoát nước của TP.

Nghĩa là số liệu cốt chuẩn trên bản vẽ quy hoạch và thực tiễn xây dựng vẫn có sự “lệch pha” nhau?

- Đối với các KĐTM trước khi xây dựng bao giờ cũng có quy hoạch chi tiết được phê duyệt với quy hoạch cao độ xây dựng nền của khu vực đó. Và giữa bản quy hoạch chi tiết với các khu vực xung quanh sẽ có khớp nối về cao độ hay khớp nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài. Tuy nhiên từ kế hoạch đến thực hiện lại khác. Có những KĐT cao hơn hoặc thấp hơn vùng lân cận nên tạo ra sự úng ngập trong KĐT hoặc khu vực bên ngoài. Nguyên nhân có thể là do số liệu làm quy hoạch không đáng tin cậy. Hoặc là khi làm thỏa thuận khớp nối thì có những KĐT nằm chơ vơ bên ngoài, hạ tầng xung quanh chưa có. Tình trạng ngập úng tại Đại lộ Thăng Long sau những cơn mưa chính là biểu hiện của việc lệch khớp nối về mặt quy hoạch.

Vậy theo ông, trước những bất cập trong quy hoạch cốt nền hiện tại, cần hướng giải quyết nào?

- Tại những KĐTM gần như bị cô lập khi mưa lớn cho thấy có lỗi về độ cao san nền. Chưa có số liệu điều tra về vấn đề này nên cũng chưa thể khẳng định là khu nào đúng với độ cao được duyệt, khu nào bị ăn bớt độ cao. Vì vậy, cần điều tra để làm rõ khu vực nào vênh giữa độ cao được duyệt và độ cao thực hiện. Từ đó sẽ xác định được phần lỗi thuộc về người ban hành quy định, hay người duyệt thiết kế, hoặc chủ đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, phần lỗi cuối cùng vẫn phải truy trách nhiệm về cơ quan quản lý. Đơn giản trong trường hợp chủ đầu tư ăn bớt độ cao khi san nền thì tại sao các cơ quan quản lý không kịp thời phát hiện và uốn nắn?

Xin cảm ơn ông!

Sau trận mưa ngày 13/7, nhiều tuyến đường nội bộ trong Khu đô thị Nam An Khánh, Thiên Đường Bảo Sơn, Vinaconex 3, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn… xảy ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Tại khu vực cổng chào, lối đi lại của khu đô thị, vui chơi giải trí Thiên Đường Bảo Sơn, đường Lê Trọng Tấn tiếp giáp với đại lộ Thăng Long, nước ngập sâu khiến xe máy không thể đi qua. Những khu đô thị hiện đại có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cứ thế chìm sâu trong biển nước. Thậm chí một số khu lân cận nước còn tràn vào nhà các hộ dân. Theo các chuyên gia quy hoạch – đô thị, các khu chung cư, khu đô thị mới xây dựng về phía Tây; Tây Nam thì càng ngập nhiều, đặc biệt là phía Hà Đông, Hoài Đức. Bởi hầu hết các khu đô thị mới ở khu vực trên đều xây dựng trên cơ sở các hồ ao, ruộng lúa. Do đó, đây không phải là lần đầu xảy ra mà sẽ còn ngập lụt nhiều.

Đoạn đường trước cổng vào Khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức ngập sau cơn mưa ngày 13/7.  Ảnh: Thanh Nhung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần