Ngày 27/6 tổ chức lễ viếng và đưa tang GS Phan Huy Lê

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS Sử học Phan Huy Lê sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các tập thể bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao, bệnh trọng đã từ trần hồi 13 giờ 10 phút ngày 23/6/2018, hưởng thọ 85 tuổi.

GS.NGND Phan Huy Lê. Ảnh: Bùi Tuấn
Lễ viếng và truy điệu GS.NGND Phan Huy Lê sẽ được tổ chức từ 7 giờ 30 đến 10 giờ ngày 27/6/2018 (tức ngày 14 tháng 5 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng GS Phan Huy Lê được tổ chức tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13 giờ cùng ngày.
GS.NGND Phan Huy Lê - Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, đã từng đảm trách rất nhiều vị trí gắn với ngành Lịch sử, như: Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam (1988 - 2016), Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nguyên Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - ĐHQG Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt nam và Giao lưu Văn hóa, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, khoa Lịch sử; nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. GS Phan Huy Lê là Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.

GS Phan Huy Lê được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản).

Sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng từ lâu GS Phan Huy Lê đã sống và làm việc tại Hà Nội. GS Phan Huy Lê đã coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình và có những gắn bó máu thịt với Thành phố Vì hòa bình. Cũng bởi tình yêu với mảnh đất ngàn năm văn hiến, GS Phan Huy Lê đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu về lịch sử của Hà Nội. Ông chính là người chủ biên hồ sơ đăng ký di sản thế giới cho “Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long”. Và có những đóng góp công sức vào hồ sơ “Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám”… Với những đóng góp cho Hà Nội, năm 2010, GS Phan Huy Lê được đề cử là công dân Thủ đô ưu tú và được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước TP ngày 28/8/2010.