Ngày 8/3 của những nữ công nhân khu công nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ở trung tâm TP.HCM nhiều gia đình cánh đàn ông...

Kinhtedothi - Cứ vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ở trung tâm TP.HCM nhiều gia đình cánh đàn ông hối hả đi chợ nấu ăn, mua hoa, quà tặng chị em phụ nữ, thì tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM lại vắng bóng hoa, quà và vắng luôn những người đàn ông “đảm đang”. Với những nữ công nhân ở đây, Ngày 8-3 cũng chỉ như bao ngày bình thường khác.

Đón ngày 8/3 trong nhà xưởng

20 giờ tối ngày 7/3, tại con đường Bình Long (thuộc khu công nghiệp Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM), hàng ngàn nữ công nhân tại các nhà xưởng tăng ca mới được về nhà. Lác đác những bông hoa được cắm trong chậu nhựa bày bán 2 bên đường… nhưng chẳng chị em nào buồn để ý hoa đẹp hay xấu mà họ vội vàng về phòng trọ của mình, ở đó còn con cái, hay đống việc nhà chưa làm.

 
Với nhiều nữ công nhân ở TP Hồ Chí Minh, 8/3 cũng như những ngày bình thường của họ. (ảnh Tiến Lực)
Với nhiều nữ công nhân ở TP.HCM, ngày 8/3 cũng như những ngày bình thường khác.
“Tôi tưởng ở các khu công nghiệp nhiều công nhân nữ thì bán hoa sẽ được lắm, mang hoa ra đây bán từ sáng mà chỉ bán được chưa tới 30 bông, nữ công nhân nhiều mà sao không ai quan tâm hay tặng hoa quà gì hết, thiệt thòi cho các chị quá” - chị Đoàn Thị Lãi, sinh viên một trường đại học gần Khu công nghiệp Tân Bình bán hoa tại cổng Công ty TNTM Tân Kim Yến cho biết.

Cầm trên tay tấm thiệp chúc mừng ngày 8/3 do Công đoàn công ty tặng, chị Trương Thanh Thúy nhẹ nhàng đặt xuống bên cạnh một bông hồng cũng vừa nhận được từ người bạn trai đang tìm hiểu mình rồi đi nấu ăn. “Hôm nay được công đoàn tặng thiệp chúc mừng nhân ngày quốc tế phụ nữ Việt Nam, tôi và gần 500 chị em ở xưởng may đều thấy vui. Ngoài ra hôm nay còn được cánh mày râu trong công ty ưu tiên làm hết những việc dọn dẹp nhà xưởng trước khi về, như vậy cũng là một ngày 8/3 đầy ý nghĩa rồi” - chị Thúy, làm việc tại công ty Han Yang Vina thuộc KCN Tân Bình cho biết.

Chị Nguyễn Thị Bé Thương lại được coi là người hạnh phúc nhất trong xưởng may của công ty vì trong giờ nghỉ trưa, chị được chồng ở quê tặng một bài hát trên đài tiếng nói TP.HCM và bài hát cũng được mở lớn cho các bạn làm cùng trong xưởng nghe. Chị Thương kể, khi đang làm thì chiếc loa trong xưởng bỗng mở lớn trong chương trình “quà tặng âm nhạc” có giọng chồng mình, anh đọc tên mình và số điện thoại của mình kèm bài hát mà hai vợ chồng khi còn yêu nhau vẫn thích. Lúc đó tự nhiên trên má có những giọt nước chảy xuống, mọi người trong xưởng đều dừng làm việc và cùng nghe rồi chúc mừng nhau.

Háo hức cầm bông hoa từ nhà xưởng về, dù con đường về dãy nhà trọ của mình ở đằng sau khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, Q.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM tối đen vì không có điện nhưng cô gái trẻ 19 tuổi vẫn cầm lên ngắm nghĩa rồi gửi mùi thơm của bông hoa. Chị là Châu Thới Quyên, mới từ quê theo bạn lên đây làm công nhân bốc xếp hàng hóa.

 
Đây là lần đầu tiên Quyên được tặng quà nhân ngày 8/3. (ảnh Tiến Lực)
Đây là lần đầu tiên Quyên được tặng quà nhân ngày 8/3.
Chị Tươi, bạn cùng quê và cùng phòng với Quyên nói: “Tội nghiệp con bé, 19 tuổi rồi mà đây là lần đầu tiên trong đời được tặng hoa và chúc mừng ngày 8/3, nó khoe khắp cả dãy nhà trọ, rồi hát hò như trẻ con khi nhận được bông hoa hồng của công ty tặng”. Không vui sao được, khi làm việc tăng ca tới 20 giờ đêm, khi về thì bất ngờ cán bộ công ty cầm hoa tới tặng và chúc mừng. “Đây là lần đầu tiên em được tặng hoa, và chúc mừng ngày quốc tế phụ nữ mà” - Quyên chia sẻ.

Mừng, tủi ngày 8/3 ở dãy trọ nhiều nữ công nhân

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay vào đúng ngày Chủ nhật, nhưng ở những khu công nghiệp thì chủ nhật nhiều công ty vẫn tăng ca nên khu nhà trọ tại khu công nghiệp Tân Thuận Q.7 từ sáng 8/3 vẫn nhiều phòng trọ của chị em đóng cửa đi làm.

 
8/3 là ngày chủ nhật nhưng nhiều nữ công nhân vẫn đi làm bình thường. (ảnh Anh Minh)
Ngày 8/3 là ngày Chủ nhật nhưng nhiều nữ công nhân vẫn đi làm bình thường.
6 giờ sáng, chị Hoa - công nhân một công ty điện tử vẫn đi làm bình thường vì công ty đang nhiều đơn đặt hàng nên phải tăng ca. “8/3 là Chủ nhật, vẫn là ngày đi làm thì mình thích hơn ngày thường bởi được công ty chấm lương cao hơn, ở nhà mà lại không có tiền để gửi về quê cho con ăn học thì cũng không thích.” - chị Hoa cho biết.

Cùng dãy phòng trọ trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, 7 giờ sáng, một anh chàng ăn mặc tuềnh toàng mang theo một bó hoa hồng nhỏ, trên tay cầm thêm mớ rau, và một con gà, hớt hả về nhà trọ. Anh là Trần Phương Em, dù công việc phụ hồ của anh không có ngày nghỉ nhưng Phương Em vẫn xin chủ cho nghỉ rồi mượn xe đạp của bạn cùng phòng đạp xe từ khu chợ Cầu Muối, Q.8 qua phòng trọ của vợ để tặng hoa và đi chợ tự tay nấu ăn cho vợ cùng đứa em gái đang sống tại đây.

“Tôi không có xe máy mà công trình thì ở tuốt bên Q.8 nên dù là vợ chồng nhưng lại không thể ở cùng nhau, nay là ngày của vợ, không nghĩ ra tặng quà gì cho vợ vì không có tiền nên đạp xe mua vội 3 bông hoa 30.000 đồng và con gà về tự tay nấu cơm cho vợ ăn, sửa lại công tắc điện và giặt đồ cho vợ. Đây là ngày mà mình có cơ hội thể hiện tình yêu thương vợ đó” - anh Phương Em cho biết.

Bên cạnh phòng của vợ anh Phương Em, chị Sáu Thu, 29 tuổi, quê Long An lên làm công nhân ở đây đã 5 năm. Các bạn trong phòng trọ đi làm tăng ca hết, còn mình chị ngồi khau lại chiếc áo công nhân bị sứt chỉ. “Tôi chưa có người yêu hay chồng con để được tặng hoa, hay chúc mừng. Nhìn chị Cúc vợ anh Phương Em được chồng chiều và chăm lo mà muốn có người yêu quá” - chị Thu nói.

Cách khu nhà trọ của chị Sáu Thu vài con hẻm, ở một khu  phòng trọ chỉ có 8 phòng thì có tới 5 phòng là của các nữ công nhân, 3 phòng còn lại là của 7 nam công nhân. Để tạo bất ngờ và làm quen các bạn nữ trong dãy trọ, những nam công nhân ở đây rủ nhau dậy sớm dọn dẹp sạch sẽ quanh khu nhà trọ, số còn lại đi chợ mua đồ về nấu ăn mời các bạn nữ bữa ăn mừng ngày của các chị.

“Đi làm từ sáng sớm, tối về thì phòng ai người ấy ở chẳng có cơ hội làm quen, hôm nay mấy anh em mày râu tụi tôi quyết định hùn nhau tổ chức 8/3 cho chị em trong khu trọ để làm quen. Cũng là để chúc mừng ngày của chị em” - anh Tùng, 24 tuổi một “mày râu” ở đây hào hứng khoe.