Ngày bầu cử, việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào?

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vào ngày bầu cử đại biểu Quối hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào, việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Đó là vấn đề nhiều cử tri quan tâm.

Theo quy định, trong ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố (cụ thể là Chủ nhật, ngày 23/5/2021), việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được bắt đầu từ 7 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.
Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu và đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
 Một điểm niêm yết danh sách cử tri tại quận Cầu Giấy
Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 7 giờ tối cùng ngày. Do đó, về nguyên tắc, các Tổ bầu cử, thành viên các Tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.
Để giúp cử tri thực hiện việc bầu cử trong trường hợp thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản số 234/HÐBCQG-TBVBPLTTTT gửi Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố hướng dẫn về việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch Covid - 19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trường hợp dịch Covid-19 bùng phát ở địa phương trong thời gian gần đến Ngày Bầu cử, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cho những cử tri bị ảnh hưởng do mắc bệnh hoặc do phải cách ly để họ nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp xảy ra mưa lũ, thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt, dẫn đến cử tri không thể đi đến các phòng bỏ phiếu, Ủy ban Bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ Bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến giúp những cử tri này nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử.
Trong trường hợp các tình huống phát sinh trên đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phường giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền, Ủy ban Bầu cử ở cấp tỉnh báo cáo Hội động Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần