Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017: Những lưu ý không thể bỏ qua

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi cơ hội vào các trường đại học (ĐH) càng lớn thì sai lầm trong lựa chọn ngày càng cao.

Chính vì thế, các chuyên gia khuyên thí sinh cần xác định được cá tính, đam mê và chỉ nên chọn 2 - 3 ngành nghề để tập trung hướng nghiệp.

Băn khoăn với nhiều thay đổi

“Cùng một ngành của một trường, em có được chọn 2 khối xét tuyển?”, “Em là thí sinh tự do, vậy em đăng ký dự thi ở đâu?”... Rất nhiều câu hỏi cụ thể của học sinh (HS) lớp 12 được đặt ra cho các chuyên gia tư vấn tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2017 do báo Tuổi trẻ, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức với Sở GD&ĐT Hà Nội ngày 26/2 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm nay, với nhiều thay đổi trong thi và xét tuyển khiến thí sinh và phụ huynh không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Thí sinh tìm hiểu ngành nghề tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017. Ảnh: Thủy Trúc

PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) lưu ý các thí sinh được chọn 2 bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) và bài nào có điểm cao hơn được dùng để xét tốt nghiệp THPT. HS lớp 12 phải thi cả 3 môn trong bài thi tổ hợp, thí sinh tự do được chọn từng môn lẻ theo tổ hợp đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH. Thí sinh giáo dục THPT khi làm bài thi tổ hợp sẽ có 3 đề thi riêng rẽ theo từng môn. Ví dụ, bài thi KHTN gồm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, các em làm 3 bài thi trên một phiếu trả lời trắc nghiệm, với 120 câu. Nhưng, các em cần chú ý, mã đề của 3 môn thi này phải giống nhau. Trong trường hợp các em nhận được mã đề khác phải báo cáo với giám thị để điều chỉnh lại.

Một vấn đề thí sinh không thể bỏ qua, đó là được ĐKXT cùng với đăng ký dự thi (ĐKDT). Phiếu ĐKDT có 2 mặt, mặt trước là ĐKDT kỳ thi THPT quốc gia, mặt sau là ĐKXT vào ĐH, cao đẳng (CĐ). Các em phải cân nhắc để lựa chọn đúng ngành, đúng trường phù hợp với nguyện vọng (NV) của mình và đúng quy chế. Việc xét tuyển NV của các thí sinh là bình đẳng. Tức là một ngành nào đó, thí sinh này đăng ký NV1, em khác NV2, có em NV3 nhưng xét tuyển ngang nhau, bạn nào điểm cao sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, trường hợp một ngành có rất nhiều thí sinh đăng ký và sau khi tính đến tiêu chí bổ sung vẫn còn thừa nhiều, thí sinh nào ở NV cao hơn sẽ lợi thế hơn. Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép ĐKXT cùng với ĐKDT. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, từ ngày 15 - 21/7, thí sinh có quyền điều chỉnh NV của mình. Thí sinh làm sao đăng ký chính xác ngay từ đầu để không phải điều chỉnh.

Nên chọn theo khối thi truyền thống

Năm nay, Quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh được chọn nhiều trường, nhiều ngành, với rất nhiều NV khiến không ít em bị khớp. Trưa 26/2, Nguyễn Thị Hải Yến đến từ trường THPT Phú Xuyên B cho biết: "Em đến Ngày hội tư vấn hướng nghiệp từ sáng nhưng nhiều bạn hỏi các chuyên gia quá nên em chưa có cơ hội được giải đáp thắc mắc của mình. Em chọn bài thi tổ hợp KHTN nhưng chỉ học tốt môn Vật lý, còn Hóa học, Sinh học bị bỏ qua từ năm lớp 10. Tại thời điểm này, em mới chỉ chọn trường ĐH Kinh tế quốc dân và trường ĐH Kinh tế của ĐH Quốc gia Hà Nội. Em dự tính mỗi trường chọn 3 ngành liên quan đến kinh tế".

Mặc dù thí sinh được đăng ký nhiều NV vào các trường, nhưng Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội Vũ Viết Bình cảnh báo: “Đam mê chỉ một, thích thì nhiều. Các em không nên thích một cách vô hạn, chỉ nên chọn 2, 3 ngành nghề để tập trung hướng đi, hướng nghiệp trong tương lai sát với năng lực và đam mê”.

Với vai trò là chuyên gia hướng nghiệp, TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhận định, cơ hội vào ĐH càng lớn thì sai lầm trong lựa chọn ngày càng cao. Vì thế, các em HS hết sức lưu ý. Nếu các em chỉ chọn để đỗ ĐH thôi rất có nguy cơ vào trường mình không thích. “HS hãy nên chọn những ngành mình mong muốn, sau đó sắp xếp các trường đào tạo các ngành đó theo uy tín, dựa trên bảng xếp hạng, thời gian thành lập, chuyên ngành đó có là chủ chốt hay không. Trên cơ sở đó, các bạn lựa chọn theo phổ điểm để cơ hội trúng tuyển đúng nghề sẽ cao hơn”- TS Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên.

Việc các trường có nhiều tổ hợp xét tuyển sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, TS Phạm Mạnh Hà khuyên các bạn xác định mình giỏi nhất lĩnh vực nào thì tập trung vào, thay vì học dàn trải sẽ dẫn đến nguy cơ, thậm chí có môn bị điểm liệt. Bởi thời điểm này là quyết định, môn học nào mình có năng khiếu hãy dành thời gian tập trung ôn tập để có cơ hội nâng điểm: “Nên tập trung vào những khối truyền thống là an toàn nhất. Trong trường hợp khối truyền thống tốt rồi mà điểm các tổ hợp kia cao hơn, mình lấy đó làm lựa chọn thứ hai”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần